Tiết kiệm là một đức tính tốt nhưng cần tiết kiệm đúng lúc, đúng chỗ, nếu không đôi khi nó có thể gây ra cho bạn những vấn đề sức khỏe khó lường, bao gồm cả ung thư.
Sau đây là những thói quen tiết kiệm sai lầm có thể khiến bạn dễ mắc bệnh nan y.
1. Mua rau kém chất lượng
Đôi khi, các siêu thị thường giảm giá một số loại rau củ quả không còn tươi ngon, nhiều người sẽ cố tình chọn thời điểm đó để mua nhằm tiết kiệm chi phí.
Nhưng so với trái cây và rau quả tươi, những loại rau quả trên có chứa các chất dinh dưỡng thấp hơn như vitamin C và flavonoid.
Do đó, khi mua rau, thịt phải chọn loại tươi, tốt nhất nên mua ít nguyên liệu đã bị cắt hay chế biến sẵn.
2. Ăn đồ thừa liên tục, coi chừng nguy cơ ung thư
Nhiều người có thói quen nấu nhiều thức ăn một bữa sau đó trữ lại trong tủ lạnh để ngày hôm sau ăn tiếp, nếu không hết sẽ lại cất đi rồi ăn sau. Đây là một thói quen có hại cho sức khỏe.
Bởi vì thức ăn đã nấu chín bảo quản càng lâu càng mất chất. Nếu để càng lâu, dưới tác động của vi khuẩn, nitrat trong rau sẽ chuyển hóa thành nitrit có hại cho cơ thể, thời gian bảo quản càng lâu hàm lượng nitrit càng nhiều.
Lâu lâu mới ăn thức ăn thừa một lần thì không sao, nhưng nếu ăn đồ thừa như vậy trong thời gian dài sẽ hấp thụ nhiều nitrit, gây ảnh hưởng nhất định đến cơ thể con người, tăng nguy cơ mắc ung thư.
3. Bỏ phần mốc trên thực phẩm và ăn phần còn lại
Nhiều người khi thấy thực phẩm bị mốc liền cắt bỏ đi phần hỏng và vẫn ăn phần còn lại. Tuy nhiên, phần mốc mà chúng ta thấy thực tế là sợi nấm mốc đã phát triển hết, trong khi có nhiều loại mốc chưa hình thành và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hoa quả thối, đậu phộng mốc, gạo mốc, các loại hạt mốc, khoai tây mọc mầm… đều là những thực phẩm hư hỏng, dễ gây ngộ độc, để đảm bảo an toàn, tốt hơn hết bạn nên vứt bỏ càng sớm càng tốt.
4. Xem tivi không bật đèn rất hại mắt
Xem tivi và tắt đèn vào ban đêm cũng là thói quen của nhiều người để tiết kiệm điện. Cũng có người lại cho rằng ở trong môi trường tối sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, độ tương phản giữa màn hình sáng và môi trường mờ sẽ làm tăng sự mỏi mắt.
Nhưng không có nghĩa là ban đêm đèn trong phòng càng sáng càng tốt. Quá sáng sẽ làm giảm độ tương phản và độ xám của hình ảnh video, hình ảnh trở nên không rõ ràng, dễ gây mỏi thị giác, đồng thời cũng ức chế sự bài tiết của sắc tố melanin và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Tốt nhất nên đảm bảo đủ ánh sáng xung quanh cho mắt. Tư thế ngồi đọc, chơi máy tính phải đúng. Không đọc hoặc xem điện thoại khi đang nằm hoặc đi bộ.
Bạn có thể ăn nhiều thực phẩm tốt cho thị lực như nhãn, khoai mỡ, cà rốt, rau muống, gan động vật…
5. Bát đũa, khăn lau quanh năm không thay có thể gây hại cho sức khỏe
Nhiều gia đình dù đũa, thớt, khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác đã được sử dụng trong vài năm nhưng vẫn không nỡ vứt bỏ trừ khi bị hỏng.
Tuy chất tẩy rửa có thể rửa sạch dầu mỡ trên bề mặt bộ đồ ăn, nhưng không thể loại bỏ vi khuẩn và nấm mốc ẩn trong các rãnh và kẽ hở, chẳng hạn như Aspergillus flavus, dễ gây tổn thương mô gan, thậm chí gây ung thư gan.
Gốm sứ bị nứt nên bỏ, đồ nhựa nên thay thế mỗi năm một lần; đũa nên được thay thường xuyên từ 3 đến 6 tháng; thớt nên thay 6 tháng một lần; giẻ lau nên đun sôi trong nước sôi 20-30 phút hoặc ngâm trong chất khử trùng chuyên dụng trong 30 phút và thực hiện 2 ngày một lần
6. Không bật máy hút mùi khi nấu nướng sẽ hại phổi
Nếu bạn nấu ăn trong môi trường kín mà không bật máy hút mùi và ở trong đó trong một giờ, phổi của bạn sẽ bị tổn hại tương đương với việc hít hai bao thuốc lá.
Khi nấu ăn, nhớ bật máy hút mùi và vệ sinh máy hút mùi thường xuyên để đảm bảo điều kiện thông gió tốt. Tắt máy hút mùi sau 20 phút sau khi nấu ăn.
MINH MINH