HBC có 11.369 tỷ đồng phải thu, lỗ luỹ kế cả nghìn tỷ cuối quý I/2023

Đúng như lời ông Lê Viết Hải chia sẻ, Xây dựng Hoà Bình đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi doanh thu giảm mạnh cùng lợi nhuận lao dốc xuống mức âm kỷ lục.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính, ngậm ngùi báo lỗ trong quý đầu tiên của năm 2023.

Cụ thể, quý I/2023 Xây dựng Hoà Bình doanh thuần giảm mạnh tới 60% xuống còn 1.194 tỷ đồng, đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý II/2015 của công ty xây dựng đến hiện tại. Trong khi đó, giá vốn lại ghi nhận hơn 1.396 tỷ đồng.

Cùng chiều với hoạt động kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm mạnh 22 lần cùng kỳ xuống còn vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng 45% lên 137 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm tới 99%.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng ghi nhận tăng nhẹ lên 7,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm về 99 tỷ đồng.

Kết quả, kinh doanh dưới giá vốn khiến Hoà Bình báo lỗ gần 445 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2023, trong khi cùng kỳ đang lãi hơn 10 tỷ đồng. Theo đó, khoản lỗ luỹ kế của công ty cũng bị nâng lên thành hơn 1.137 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Hòa Bình đã đặt ra mục tiêu thoát lỗ với doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả đạt được quý đầu năm, 2023 có lẽ sẽ tiếp tục là một năm khó khăn để công ty có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.

Điều này cũng đã được dự báo trước bởi Chủ tịch Hoà Bình Lê Viết Hải khi vào cuối tháng 3/2023, thay mặt cho Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (SACA), Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Qua đó cho biết những năm qua ngành xây dựng và bất động sản rơi vào khủng hoảng và suy thoái gây nhiều khó khăn về tài chính khiến tập đoàn chưa sắp xếp được nguồn vốn thực hiện các mục tiêu.

Đặc biệt ông Hải nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong 35 năm, Hoà Bình phải đối mặt với “muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế”.

Đồng thời, Chủ tịch Hoà Bình cho biết “những khó khăn đó đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên của HBC, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công; tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người. Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được".

Tính đến ngày 31/3/2023, công ty xây dựng của ông Lê Viết Hải có 15.696 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 7% so với đầu năm.

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn và dài hạn của Hoà Bình đang ghi nhận lên tới 11.369 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản.

Trong đó, đa phần là các khoản phải thu của khách hàng, phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng. Công ty ghi nhận hiện đang trích lập dự phòng hơn 786 tỷ đồng cho các khoản phải thu này.

Hàng tồn kho của Hoà Bình có xu hướng tăng nhẹ so với đầu năm, đạt 2.395 tỷ đồng vào cuối quý I/2023. Chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (1.581 tỷ đồng), nguyên vật liệu xây dựng (563 tỷ đồng) và hàng hoá bất động sản (225 tỷ đồng).

Các sản phẩm hàng hoá bất động sản tồn kho của Hoà Bình bao gồm 3 lô đất tại Long Thới, Nhơn Đức và Tân Thới Nhất, Tp.HCM. Ngoài ra còn có 3 căn chung cư Lerman có giá gần 35 tỷ đồng.

Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của công ty ghi nhận giảm sâu 54% so với đầu năm về còn 247 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Xây dựng Hoà Bình tại cuối quý I/2023 ghi nhận 13.503 tỷ đồng, chiếm 86% tổng nguồn vốn và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ vay ngắn và dài hạn ghi nhận 5.528 tỷ đồng, chiếm nhiều nhất là 4.755 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, đa phần là các khoản vay từ ngân hàng. Chủ nợ lớn nhất hiện nay của Hoà Bình là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam với cả khoản vay và phát hành trái phiếu (269 tỷ đồng vay nợ và 712 tỷ đồng trái phiếu).

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hbc-co-11369-ty-dong-phai-thu-lo-luy-ke-ca-nghin-ty-cuoi-quy-i2023-a591219.html