Thị trường trái phiếu đã tăng trưởng đáng kể trong vòng 5 năm trước đây cho đến năm 2022. Trên thực tế, mỗi năm thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh mẽ từ 30-40% và đến năm 2022, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm tỉ trọng 15% GDP.
So sánh tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã và đang khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng, giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng.
Vào đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng, toàn thị trường tài chính nói chung đã phải hứng chịu cú sốc tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…
Từ các sự vụ tiêu cực kể trên khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến kênh huy động vốn bằng trái phiếu càng gia tăng rủi ro.
Thực tế cho thấy, sự suy giảm huy động vốn qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang làm tăng áp lực thiếu hụt vốn đầu tư và thanh khoản của nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi doanh thu và lợi nhuận kinh doanh giảm mạnh giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó.
Doanh nghiệp thiếu vốn, nhà đầu tư kẹt tiền - hai chủ thể của thị trường tài chính kinh tế hiện rất khó để tìm được điểm giao nhau mà đều đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã có giải pháp tình thế là ban hành hàng loạt Nghị định 65 cho tới Nghị định 08 để sửa đổi, bổ sung các điều khoản giúp lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định 08 đang thể hiện rõ sự lúng túng của Bộ Tài chính trong việc xử lý các vấn đề nổi cộm trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
Với các doanh nghiệp, Nghị định 08 chắc chắn sẽ được hoan nghênh vì giúp doanh nghiệp được kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu, tháo gỡ khó khăn cho nhà phát hành.
Nhưng về bản chất, Nghị định 08 không tháo gỡ khó khăn căn cơ mà chỉ đang mang tính tình thế giúp làm thông thoáng thị trường, thậm chí nếu suy xét ở một số điểm thì Nghị định 08 còn khiến cho kênh trái phiếu tăng tính rủi ro.
Đối với các nhà đầu tư, Nghị định 08 này gần như không có tác động, không đưa đến điều khoản hay thông tin mà nhà đầu tư đang quan tâm, đặc biệt về vấn đề nâng cao niềm tin - thứ mà nhà đầu tư đang rất thiếu thời điểm hiện nay thì gần như không có tác dụng thay đổi.
Cụ thể, Nghị định 08 quy định đã ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết ngày 31/12/2023, qua đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cá nhân được tiếp cận với kênh trái phiếu.
Tuy nhiên, chính vì để nhà đầu tư cá nhân không hiểu rõ về thị trường đầu tư vào trái phiếu mới khiến phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, đến nay lại hoãn việc siết nhà đầu tư cá nhân lại có thể sẽ lại tạo ra nhiều vấn đề tiêu cực khác.
Tiếp đến, việc cho doanh nghiệp được đổi tài sản lấy trái phiếu cũng đặt ra nhiều mối quan ngại.
Bởi vốn dĩ, việc đổi tài sản lấy trái phiếu đã xảy ra nhiều năm nay, thế nhưng việc được cấp phép đổi tài sản vẫn có thể gây ra trường hợp, nhiều doanh nghiệp đẩy giá tài sản lên cao, không đúng giá trị thực để ép nhà đầu tư phải đổi trái phiếu. Nhà đầu tư trong tâm thế lo lắng, sợ hãi mất tiền nên sẽ phải chấp nhận chịu thiệt để được “đồng nào hay đồng ấy”.
Chưa kể, có những trường hợp nhà đầu tư cá nhân sở hữu số lượng ít trái phiếu, nếu muốn đổi tài sản thì tiếp tục phải bù thêm tiền, trong khi kinh tế khó khăn thì rất khó để nhà đầu tư có thể thực hiện hoán đổi.
Trong trường hợp không đổi tài sản, nhà đầu tư cá nhân sẽ phải nghĩ đến phương án đồng ý cho doanh nghiệp gia hạn trái phiếu. Vấn đề gia hạn cũng có khả năng xuất hiện tiêu cực bởi thực tế, với những khó khăn hiện nay của thị trường tài chính thì rất khó để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.
Do đó, dù gia hạn trái phiếu thêm 6 tháng, 1 năm hay 2 năm thì việc doanh nghiệp có phục hồi được sản xuất kinh doanh để có lại dòng tiền trả cho nhà đầu tư hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có đáp án.
Dù vậy, Nghị định 08 vẫn bộc lộ một vài điểm tích cực hiếm hoi như tháo gỡ các vấn đề ràng buộc để cho thị trường trái phiếu được dễ dàng giao dịch, mua bán, tạo ra thanh khoản.
Trước bối cảnh đó, để có thể lấy lại tài sản của mình, các trái chủ cần tiến hành tổ chức Hội nghị trái chủ. Qua đó, các nhà đầu tư cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra phương án giải quyết cho tổ chức phát hành như cho phép giãn nợ, đe doạ kiện ra toà hay sẵn sàng đàm phán.
Bên cạnh đó, các trái chủ cần tìm kiếm một văn phòng luật sư đại diện cho các nhà đầu tư sẽ là pháp nhân chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình đàm phán.
Và cuối cùng, việc cần làm nhất là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là tiến hành xếp hạng tín nhiệm.
Nhiều năm trước, các chuyên gia hô hào thị trường trái phiếu đang lấy đi gánh nặng tài chính cho các ngân hàng, trước đây ngân hàng là bà đỡ của doanh nghiệp, sau đó thì chuyển bà đỡ sang trái phiếu.
Trong khi đó, thị trường Việt Nam chưa đủ nền tảng để phát triển “nóng” thị trường trái phiếu, vì thế cần kìm hãm lại sự phát triển của kênh trái phiếu, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, nền tảng luật pháp rõ ràng, minh bạch rồi mới tiếp tục đẩy mạnh sự lớn mạnh của kênh đầu tư này.
Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghi-dinh-08-giai-phap-tinh-the-lam-thong-thoang-thi-truong-trai-phieu-a591253.html