Bị cáo buộc lừa dối khách hàng, ông Lê Thanh Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng.
Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, còn được gọi với tên “đại gia điếu cày” vừa bị VKNSD TP.Hà Nội truy tố về tội Lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).
Vơi cáo buộc trên, ngày 31/7/2019, ông Lê Thanh Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo 03 phương án:
Thứ nhất, xem xét xử lý theo Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính Phủ và khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Phương án thứ hai, ông Lê Thanh Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco5;
Thứ 3, ông Lê Thanh Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.
Quá trình điều tra, ông Lê Thanh Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng. Sau khi không thỏa thuận được với các khách hàng, bị can Lê Thanh Thản đã đề nghị Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/11/2019, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Hà Nội đã phát hành Công văn số 637/CVBIDV.NHN xác nhận bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng (Cụ thể là các số tiết kiệm trị giá 530 tỷ đồng thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ là vợ của bị can Lê Thanh Thản).
Sau khi Cơ quan điều tra ra Bản kết luận điều tra, kết luận số tiền thu lợi bất chính của bị can Lê Thanh Thản là hơn 534 tỷ đồng, ngày 20/10/2020, bị can Lê Thanh Thản có đơn đề nghị xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính mà bị can được hưởng, vì bị can phải chi phí cho việc đầu tư xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng gồm các khoản chi hơn 632 tỷ đồng.
Kết quả điều tra bổ sung chỉ có căn cứ xác định số tiền thuế giá trị gia tăng của 488 căn hộ không được cấp Sổ đỏ bị cáo đã nộp hơn 53 tỷ đồng được đối trừ với số tiền thu lời bất chính. Đối với các khoản tiền chi khác không có căn cứ để đối trừ với số tiền thu lời bất chính.
Chính vì vậy, ông Lê Thanh Thản vẫn bị cáo buộc thu lời bất chính đối với số tiền hơn 481 tỷ đồng.
Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định về tội lừa dối khách hàng như sau: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 5 đến dưới 50 triệu sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Tư Viễn