Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt (CBBank, OceanBank, GPBank và DongA Bank).

Tại Báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trước Kỳ họp thứ 5 khai mạc vào 22/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý các ngân hàng kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và DongA Bank.

Đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng này trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc, theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.

Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định, không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Tài chính - Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém

Hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định, không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng gồm các ngân hàng 0 đồng như OceanBank, CBBank, và DongA Bank đã được nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua của một số ngân hàng.

Các ngân hàng được cho là sẽ tiếp nhận chuyển giao một trong 4 ngân hàng nói trên gồm Vietcombank, MB, VPBank, và HDBank.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng cho biết, Vietcombank đánh giá thời gian xử lý ngân hàng được tiếp nhận sẽ không quá 8 – 10 năm, để biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh và hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc thường trực MB - ông Phạm Như Ánh chia sẻ hiện tại, Ban điều hành đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc.

"Theo quy trình của Nhà nước, thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được", ông Ánh cho hay.

Còn tại VPBank, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cũng tiết lộ, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.

Tài chính - Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém (Hình 2).

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VPBank.

VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Tại dự thảo đề án, trong 4 ngân hàng tham gia thì có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49% nhưng việc này còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt.

Về phần HDBank, ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ phương án góp không quá 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngan-hang-nha-nuoc-se-chuyen-giao-bat-buoc-4-ngan-hang-yeu-kem-a591272.html