Cổ phiếu đắt nhất sàn, "kỳ lân" VNG báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp

Trong quý I/2023, “kỳ lân” công nghệ VNG báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng và là quý thứ 6 liên tiếp ghi nhận lỗ dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng 11%.

Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần đạt hơn 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, VNG ghi nhận doanh thu tài chính giảm 57% xuống còn hơn 18 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính tăng gấp đôi lên gần 8 tỷ, chi phí lãi vay chiếm 60% với hơn 4,7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý của doanh nghiệp giảm 5% còn 880,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNG ghi nhận khoản lỗ gần 27,5 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 7,6 tỷ đồng. Trong đó, VNG ghi nhận khoản lỗ 12 tỷ đồng từ công ty liên kết Funding Asia là một công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore. Thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp đang nắm giữ 4,9% quyền sở hữu của công ty này.

Đồng thời, công ty chịu lỗ hơn 9 tỷ đồng ở Telio. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và được thành lập từ năm 2019. Thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp đang nắm giữ 16,7% quyền sở hữu của công ty này.

Kết quả, “kỳ lân” công nghệ báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng và là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ. Tuy nhiên, con số này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ hơn 130 tỷ đồng và quý IV/2022 ghi nhận lỗ hơn 547 tỷ đồng.

344059316-686821376787019-2886688008843749748-n-1683198422.png
 

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của VNG ghi nhận ở mức hơn 8.975 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tăng 7% lên gần 2.838 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng nhẹ lên gần 659,5 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng chạm mốc 2.177 tỷ đồng và các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng ghi nhận 550 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp giảm sâu từ gần 1.039 tỷ đồng hồi đầu năm xuống gần 66,3 tỷ đồng ở cuối quý I/2023 do không phát sinh từ Dự án VNG Data Center, trong khi đầu năm ghi nhận gần 992 tỷ đồng.

Tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của là 663,7 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp vay Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) 550 tỷ đồng; phần còn lại là 113,7 tỷ đồng vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Phía doanh nghiệp cho biết, khoản vay từ hai ngân hàng này nhằm mục đích tài trợ cho Dự án Trung tâm dữ liệu và sản xuất phần mềm, đồng thời VNG dùng để đầu tư tài sản cố định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận phát sinh 187,5 tỷ đồng trái phiếu phát hành từ CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đức Hoà. Trong kỳ, Saigontel cũng phát sinh thêm khoản vay gần 79,5 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), trong khi đầu năm không ghi nhận.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cổ phiếu đắt nhất sàn, 'kỳ lân' VNG báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp

Diễn biến thị giá cổ phiếu VNZ (Nguồn: FireAnt).

Trên thị trường chứng khoán, sau mức đỉnh 1,3 triệu đồng/cp vào giữa tháng 2/2023, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, mã VNZ bốc hơi 40% và dừng lại ở mức 790.000 đồng/cp.

Vừa qua ngày 13/4, bà Trương Thị Thanh – Thành viên Ban kiểm soát VNG đã đăng ký mua 30.000 cổ phiếu VNZ theo hình thức thoả thuận. Với thị giá hiện tại, ước tính bà Thanh cần chi 23,7 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Nếu việc đăng ký mua thành công, bà Thanh sẽ nâng tỉ lệ sở hữu từ 0,13% lên 0,23%, tương đương từ 36.283 cổ phiếu lên 66.283 cổ phiếu.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-phieu-dat-nhat-san-ky-lan-vng-bao-lo-quy-thu-6-lien-tiep-a591310.html