Trao đổi với báo chí về nguồn kinh phí thực hiện tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023 tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương từ 1/7.
“Cách đây nửa năm tôi có thông tin là cần 60.000 tỷ đồng để cho 6 tháng cuối năm 2023. Hiện nay con số chính xác là hơn 59.000 tỷ đồng. Với số tiền này, chúng tôi đã bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 là 12.000 tỷ đồng. Còn 47.000 tỷ đồng khác được bố trí từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tiền lương, trong đó ngân sách địa phương là 27.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 20.000 tỷ đồng”, ông Chi thông tin.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, Chính phủ đã chủ động bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho chính sách về tăng lương và cải cách tiền lương 6 tháng cuối năm 2023.
Cũng trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành địa phương và ý kiến của nhân dân được lấy trên cổng thông tin của bộ, trong tháng 4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ điều chỉnh lương cơ sở. Trước kì nghỉ lễ vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định vấn đề này.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến và trình Chính phủ trong tháng 5.2023 về Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để đảm bảo thực hiện từ 1/7/2023 tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ, kinh phí để thực hiện mức lương cơ sở ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương bao gồm: Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao.
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí;
Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập do đơn vị tự đảm bảo theo quy định; Sử dụng nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Còn đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao;
Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang;
Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023.
Cũng theo dự thảo Nghị định, ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã thực hiện các quy định nêu trên.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/da-bo-tri-hon-59000-ty-dong-de-tang-luong-co-so-tu-172023-a591416.html