Số mã giảm áp đảo số mã tăng đã khiến thị trường không thể giảm sâu nhưng cũng chẳng bật tăng mạnh khi dòng tiền eo hẹp, khối ngoại tiếp tục bán ròng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5, VN-Index giảm 0,3 điểm, tương đương 0,03% xuống 1.040,31 điểm. Toàn sàn chỉ có 154 mã tăng, còn lại 223 mã giảm, 67 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 035 điểm, tương đương 0,17% xuống 207,8 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 94 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,29 điểm lên 77,56 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 20 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 10.766 tỷ đồng, giảm 12% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE cũng giảm 11,3% về 9.302 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản thị trường đạt 3.197 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán KBSV: VN-Index trải qua một nhịp rung lắc giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen. Việc hình thành mẫu nến doji về cuối phiên cho thấy áp lực cung cầu tương đối cân bằng và giúp cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong các phiên tiếp theo vẫn đang có phần lấn át với ngưỡng cản đáng lưu ý được đặt quanh 1.050-1.055. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỉ trọng trading đã mở tại các nhịp hồi phục, chạm vùng cản gần của các mã nắm giữ.
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên giảm điểm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán đã hạ nhiệt và chỉ số có thể vẫn đang chịu rủi ro giảm về lại vùng hỗ trợ 1.000 – 1.020 điểm (đáy cũ tháng 3). Nhìn chung, thị trường vẫn thể hiện tín hiệu suy yếu sau phiên giảm 5/5. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro từ thị trường chung.
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm xuống đường hỗ trợ biên dưới của mô hình đi ngang và hồi phục nhẹ với volume thấp cho thấy tâm lý trên thị trường dù chưa bi quan nhưng cũng rất thận trọng. Rủi ro giảm điểm vẫn hiện hữu khi điểm số vẫn nằm dưới các đường MA, đường MACD đang nằm dưới mức 0 cũng cho thấy xu hướng thiên về giảm điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp, hạn chế mua đuổi những mã tăng nóng trong phiên.
Tin vắn chứng khoán
- Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, thông tin và truyền thông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 105,9 triệu USD, chiếm gần 69% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với hơn 13,2 triệu USD, chiếm 8,6%; tiếp theo là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng…
Có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu là Singapore với 7 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 103,3 triệu USD, chiếm 62,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là các quốc gia Lào, Úc, Cuba…
- Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD).
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-rui-ro-giam-diem-van-hien-huu-a591421.html