Bé 3 tuổi ngã vào xô nước, người nhà liền sơ cứu cách này khiến trẻ không qua khỏi, BS cảnh báo "sai quá sai"

Sau 15 phút té vào xô nước, bé trai được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn.

Vợ chồng chị Linh (ở Bến Lức, Long An) có 2 con, một bé gái và một bé trai. Trong đó, con gái chị đã lớn, còn bé trai tên là Gia An, hiện hơn 2 tuổi. Dịp nghỉ lễ vừa qua, chị Linh có mua cho con trai một chiếc súng nước đồ chơi. Sau đó, gia đình lấy một xô đựng ít nước bên trong cho bé Gia An chơi, để khi súng hết nước thì con tự hút nước rồi chơi tiếp.

Do xô nước cạn, khi hút nước vào súng, bé Gia An đã ngã chúi đầu và kẹt vào xô nước. Khi người thân phát hiện bé đã tím tái, nằm bất động.

Hiện rất nhiều trẻ bị đuối nước vào mùa hè. Ảnh minh họa.

Ngay lập tức, bé trai được người nhà sơ cứu bằng cách bắt cha mẹ không được lại gần, kéo bé ra khỏi xô nước, lau khô, xốc nước và hơ lửa cho ấm.

Sau 15 phút không thấy bé động tĩnh, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, bé trai đã tím tái, mạch và huyết áp bằng 0, các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Trao đổi với chúng tôi sáng 8/5, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, bé trai được chuyển đến bệnh viện vào tối 3/5 trong tình trạng thở máy, đồng tử giãn 4mm, mất phản xạ ánh sáng và mê sâu. Các bác sĩ đã nỗ lực truyền dịch, chống độc, dùng thuốc vân mạch, trợ tim với mong muốn cứu được bé nhưng không thành công. Theo bác sĩ Phương, đây là một tai nạn vô cùng đau lòng, đã được ngành y tế cảnh báo nhưng vẫn thường xảy ra, nhất là với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Bác sĩ Phương cho biết, ngoài trường hợp trên, trong tuần vừa qua Bệnh viện Nhi đồng 1 còn tiếp nhận một bé khác cũng bị đuối nước khi tắm hồ bơi. Hiện bệnh nhi này đang được các bác sĩ tích cực cứu chữa.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương. 

Về trường hợp tử vong của bé Gia An, bác sĩ Phương cho rằng, do người nhà sơ cứu ban đầu sai cách là xốc nước và hơ lửa. Các cách này đã được ngành y tế cảnh báo là cấp cứu đuối nước cho trẻ sai cách, dễ làm người bị đuối nước tử vong. “Khi xác định một người bị đuối nước là phải được hồi sức tim phổi ngay. Nếu để người bị nạn ngưng tim quá 4 phút sẽ để lại di chứng rất nặng nề, sau 10 phút hầu như rất khó cứu”, bác sĩ Phương cảnh báo.

Theo bác sĩ Phương, mùa hè đang tới nên thời tiết sẽ nóng bức, vì vậy, tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu, tại hồ bơi, ao hồ và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu. “Trẻ bị đuối nước cần được hồi sức tim phổi ngay. Các phương pháp sơ cứu như xốc nước, hơ lửa hoặc bắt cha mẹ không được ở cạnh con là sai lầm, vô tình để lại di chứng cho trẻ và sẽ khiến trẻ tử vong như trường hợp trên”, bác sĩ Phương cảnh báo. 

* Tên bé trai và người mẹ đã thay đổi.

DIỆU THUẦN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/be-3-tuoi-nga-vao-xo-nuoc-nguoi-nha-lien-so-cuu-cach-nay-khien-tre-khong-qua-khoi-bs-canh-bao-sai-qua-sai-a591570.html