Tin tức 24h: Mở cửa xe ô tô bất cẩn khiến một phụ nữ bị xe khác cán tử vong

Người trên ô tô con mở cửa xe bất cẩn khiến nạn nhân đâm vào cánh cửa và ngã ra đường, bị một ô tô khác tông trúng.

Hà Nội: Mở cửa xe ô tô bất cẩn khiến một phụ nữ bị xe khác cán tử vong

Mới đây, trên trên mạng xã hội Facebook chia sẻ một clip ghi lại tình huống giao thông, nam tài xế mở cửa xe ô tô bất cẩn gây tai nạn với một xe máy.

Theo hình ảnh được trích xuất từ camera an ninh, chiếc ô tô con đang dừng đỗ sát lề đường ở phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội).

Camera an ninh ghi lại hình ảnh vụ tai nạn

Đáng chú ý, người đàn ông sau đó mở cửa xe để chuẩn bị bước xuống. Lúc này, từ phía sau xuất hiện một xe máy có hai người trên xe đi tới, tông trúng cánh cửa của chiếc ô tô rồi ngã ra đường. Ngay sau đó, một ô tô khác đi ngược chiều tông trúng, hất văng hai người đi xe máy.

Sau khi đăng tải lên mạng, đoạn clip đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến bình luận. Đa số ý kiến lên án hành vi mở cửa xe ô tô thiếu quan sát gây họa cho người tham gia giao thông.

Trước thông tin trên, trưa 8/5, lãnh đạo UBND thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, clip chia sẻ trên được xác định xảy ra vào chiều 6/5, trên tuyến phố Tế Tiêu.

Theo đó, vào khoảng hơn 15h ngày 6/5, một chiếc taxi di chuyển đến đỗ ở phố Tế Tiêu (đoạn đường đê Đáy) để trả khách. Lúc này một nửa xe đỗ trên vỉa hè, phần còn lại vẫn nằm dưới lòng đường.

Sau đó, nam tài xế mở cửa ghế lái (phía giáp mặt đường) thì một chiếc xe máy chở 2 người lao tới va trúng cửa xe. Hai người trên xe máy ngã ra đường. Đúng lúc này, một ô tô khác đi hướng ngược lại tông trúng họ.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Đại Nghĩa, vụ tai nạn khiến người phụ nữ ngồi sau xe máy bị bánh ô tô chèn qua người tử vong, còn người đàn ông điều khiển xe máy bị thương.

“Người phụ nữ quê ở Ba Vì, Hà Nội. Hiện Công an huyện Mỹ Đức đang làm việc với 2 tài xế ô tô có liên quan để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của họ trong sự việc”, lãnh đạo thị trấn Đại Nghĩa thông tin.

Vụ chủ shop quần áo khiến “yêu râu xanh” bỏ chạy: Hiếp dâm bất thành bị xử lý thế nào?

Công an Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Văn Cương (SN 1992, trú tại Khu 8, thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi “Hiếp dâm”.

Cương là nghi phạm gây ra vụ việc dùng dao đe dọa, cưỡng bức bất thành chị H (SN 1986) - chủ shop quần áo ở thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên).

Theo điều tra ban đầu, khoảng 22h30 ngày 5/5, sau khi uống bia ở Trại Cúp, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Cương điều khiển xe máy đi từ thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên hướng về nhà ở thị trấn Kim Long.

Nữ chủ shop quần áo bị người đàn ông cầm dao uy hiếp. Ảnh: Chụp từ clip.

Đến khoảng 23h35 cùng ngày, Cương qua một cửa hàng buôn bán quần áo ở thị trấn Gia Khánh thì thấy chị H đang thử đồ. Thấy vậy, Cương nảy sinh ý định hiếp dâm đối với chị H.

Lúc này, Cương đỗ xe máy ở phía trước cửa hàng quần áo, lấy con dao dài 32cm ở xe máy rồi chạy vào cửa hàng quần áo, đến vị trí nơi chị H. đang đứng, dùng dao đe dọa chị H. phải cho quan hệ tình dục.

Chị H. lo sợ nên phải giả vờ đồng ý, mặt khác tìm lý do trì hoãn. Lợi dụng lúc Cương không để ý và chưa thực hiện được hành vi của mình, chị H. giật được con dao đồng thời hô hoán người dân xung quanh đến giúp đỡ. Cương bỏ chạy ra ngoài thì bị người dân bắt giữ. Quá trình làm việc với công an, Cương đã khai nhận toàn bộ sự việc.

Hình ảnh từ clip ghi lại vụ việc cho thấy, trong khi bị khống chế, chủ shop quần áo tỏ ra "hợp tác" với đối tượng. Lợi dụng đối tượng mất cảnh giác, để dao trên bàn, chủ shop quần áo bất ngờ giật con dao và hô hoán mọi người. Lúc này, nghi phạm hiếp dâm vơ lấy chiếc quần đùi rồi bỏ chạy ra ngoài.

Từ vụ án trên, nhiều độc giả thắc mắc, hành vi hiếp dâm bất thành sẽ bị xử lý thế nào? Nghi phạm gây vụ cưỡng bức nữ chủ shop quần áo sẽ đối mặt với khung hình phạt nào nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm”?

Trao đổi với PV về các thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết quy định xử lý tội phạm phạm “Tội hiếp dâm” được quy định tại Điều 141, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).

Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

“Khung hình phạt nhẹ nhất với đối tượng phạm tội hiếp dâm là 2-7 năm tù. Hình phạt tù sẽ tăng với người phạm tội tùy vào trường hợp phạm tội. Ví dụ, hành vi hiếp dâm có tổ chức, nhiều người hiếp một người, phạm tội 2 lần trở lên, đối với 2 người trở lên, tái phạm nguy hiểm hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%… sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm.

Khung hình phạt cao nhất với tội phạm hiếp dâm là tù chung thân”, luật sư Kiên cho biết.

Liên quan tới vụ án xảy ra tại shop quần áo, theo luật sư Lê Văn Kiên, với hình ảnh và thông tin điều tra ban đầu, việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm là có căn cứ.

“Hình ảnh từ clip ghi lại vụ việc cho thấy, đối tượng sử dụng dao khống chế, uy hiếp người phụ nữ và có hành động cởi quần với ý định giao cấu trái ý muốn của nạn nhân. May mắn, nữ nạn nhân xử lý khôn khéo khiến nghi phạm không thể thực hiện được hành vi đồi bại”, luật sư Kiên đánh giá.

Về thắc mắc hành vi hiếp dâm bất thành sẽ bị xử lý thế nào? luật sư Trần Văn Tư (Phó Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 15, Bộ luật Hình sự quy định rõ về phạm tội chưa đạt. Cụ thể, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

“Như vậy, hành vi hiếp dâm không thành là trường hợp phạm tội chưa đạt của tội hiếp dâm. Đối tượng thực hiện hành vi hiếp dâm không thành vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.” – luật sư Tư nói.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, tội hiếp dâm là tội phạm cấu thành hình thức nên đối tượng phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện một trong hành vi khách quan của tội phạm này như sử dụng vũ lực để đe vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì phải chịu trách nhiệm hình sự dù việc giao cấu, quan hệ tình dục chưa đạt. Việc thực hiện hành vi phạm tội không thành là nằm ngoài ý muốn của đối tượng.

“Hình ảnh vụ án ở shop quần áo cho thấy, đối tượng chỉ bỏ chạy, không thực hiện hành vi phạm tội khi nữ nạn nhân giật được con dao đối tượng trước đó sử dụng để uy hiếp.” - luật sư Kiên phân tích và cho rằng cần xử lý nghiêm đối tượng có hành vi hiếp dâm để răn đe, phòng ngừa.

Hà Nội dự kiến tăng giá nước sinh hoạt cao nhất lên 27.000 đồng/m3

Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng.

Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước gồm cán bộ của 6 sở ngành đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người. Như vậy mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại khu vực nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.

Nhiều cư dân phải xếp hàng lấy nước tại khu đô thị Linh Đàm năm 2019. Ảnh minh họa

Sở Tài chính Hà Nội nêu rõ: "Mức tăng thiết kế theo lộ trình hai đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt vì tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị”.

Thông tin tới báo chí về lộ trình tăng giá nước sạch sinh hoạt, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng dẫn đến phải tăng giá nước sạch.

“Tại dự thảo phương án giá trình UBND thành phố, Sở cũng đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng… Theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan”, ông Sáng nói.

Việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023.

Nắng nóng như thiêu đốt, lượng tiêu thụ điện ở TP.HCM liên tục phá kỷ lục

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, suốt từ tháng 4 đến đầu tháng 5/2023, khu vực Nam Bộ liên tiếp xảy ra nắng và nắng nóng trên diện rộng, có thời điểm có nắng nóng gay gắt trên 37 độ C. Nắng nóng kéo dài đã khiến tình trạng tiêu thụ điện tăng cao.

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho hay, trong 2 ngày 5-6/5, lượng điện tiêu thụ của toàn Thành phố liên tiếp lập đỉnh.

Cụ thể, ngày 6/5, EVNHCMC ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh 1 ngày trước đó (94,43 triệu kWh).

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cảnh báo, nhu cầu điện tăng cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực, gây sự cố hoặc làm cho hệ thống bảo vệ tự động ngắt điện để bảo đảm an toàn.

Trước tình hình sự cố có nguy cơ tăng trong giai đoạn nắng nóng, EVNHCMC đã chỉ đạo các công ty điện lực thành viên tăng cường lực lượng ứng trực, chủ động theo dõi các cảnh báo trên hệ thống điều khiển để xử lý sớm các trạm quá tải, lệch pha; đồng thời yêu cầu Trung tâm Chăm sóc khách hàng tăng ca để tiếp nhận kịp thời các phản ánh về sự cố điện.

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh kêu gọi khách hàng tăng cường tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Nắng nóng kéo dài sẽ khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ.

Tiêu thụ điện tại TP Hồ Chí Minh liên tục lập đỉnh do nắng nóng.

Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ.

Người dân chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Cơ quan khí tượng dự báo, sau ngày 8/5, nắng nóng ở Nam Bộ sẽ giảm dần. Mưa xuất hiện tập trung vào chiều tối đến đêm khiến nhiệt độ dịu xuống. Do đó, nhu cầu sử dụng điện của người dân có thể cũng sẽ giảm so với những ngày nắng nóng.

Vụ phát hiện đỉa bơi trong bình nước còn nguyên tem: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ

Sáng 8/5, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Sở Y tế Quảng Bình đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh an toàn thực phẩm về sản phẩm nước uống đóng chai trên địa bàn.

Cơ quan này đề nghị các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Bình kiểm tra, xác minh thông tin theo nội dung phản ánh nêu trên; lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Cùng đó, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm (nếu có).

Dị vật là đỉa trong bình nước 20 lít nguyên tem. (Ảnh cắt từ video). (Ảnh: SK&ĐS)

Trước đó, ngày 6/5, con đỉa được phát hiện trong nước uống đóng bình của công ty cổ phần nước khoáng Bang, địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Theo thông tin trên VietnamNet, cô giáo Dương Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Thủy xác nhận việc trong bình nước được Công ty Cổ phần nước khoáng Bang (có địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) giao cho trường phát hiện có đỉa.

Sau khi phát hiện có đỉa trong bình nước, Trường Mầm non Phong Thủy liên hệ phía công ty cung ứng nước, đồng thời lập biên bản sự việc ban đầu để tiến hành kiểm tra. Bình nước có đỉa bên trong sau đó đã được phía công ty đưa về.

Cùng với đó, nhà trường dừng việc sử dụng nước đóng bình của Công ty Cổ phần nước khoáng Bang. Giáo viên nấu nước sôi từ nguồn nước sạch của trường cho học sinh sử dụng để đảm bảo an toàn.

TP.HCM: Cảnh báo hiện tượng lập công ty “ma” để mua bán hoá đơn

Báo Lao động thông tin, ngày 8/5, Cục Thuế TP.HCM phát đi cảnh báo về các vi phạm trong sử dụng hóa đơn.

Cụ thể, theo Cục Thuế TP.HCM, nguyên nhân do một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thuế để mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế.

Cục Thuế TP.HCM lưu ý người nộp thuế những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ thường gặp như: sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn chứng từ khống, hóa đơn không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh…

Đồng thời, cơ quan thuế lưu ý người mua hàng hóa, dịch vụ chỉ nhận hàng và kê khai đúng với thông tin trên đơn đặt hàng, thường xuyên truy cập vào hệ thống hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế (hoadondientu.gdt.gov.vn) và App mobile “Tra cứu hóa đơn” của Tổng cục Thuế để tra cứu, đối soát hóa đơn, kịp thời phát hiện hóa đơn không hợp pháp.

Tài liệu, hóa đơn bị thu giữ để phục vụ điều tra. Ảnh: CA

Trước đó, Công an TP.HCM phát hiện đường dây bán hóa đơn khống trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng.

Theo báo Tuổi trẻ, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM đồng loạt triển khai nhiều mũi kiểm tra, bắt giữ 4 người liên quan. Trong 4 người bị bắt giữ có một người cầm đầu.

Qua khám xét 9 địa điểm trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, lực lượng chức năng tạm giữ 70 con dấu doanh nghiệp, nhiều ổ cứng máy vi tính, điện thoại di động, một số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá.

Tại cơ quan công an, những người này khai nhận từ năm 2018 đến khi bị bắt đã sử dụng thông tin CMND của người thân và CMND, CCCD mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 "công ty ma" tại TP.HCM, 10 "công ty ma" tại Đồng Nai. 

Sau đó, các nhóm này tìm khách hàng trên mạng, liên hệ để chào bán hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5% - 2% trị giá hóa đơn chưa thuế.

Kết quả điều tra xác định người cầm đầu đã cấu kết với những người khác thành lập 31 "công ty ma" tại TP.HCM, xuất khống hơn 20.000 tờ hóa đơn giá trị gia tăng cho gần 4.000 công ty khác nhau trên 35 tỉnh thành, trị giá ghi trên hóa đơn khoảng 4.000 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với những người trên về hành vi "in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn

Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn xác định thêm một người môi giới bán hóa đơn cho các bị can trên để hưởng lợi bất chính nên đã ra quyết định khởi tố bị can đối với người này về hành vi "mua bán trái phép hóa đơn".

H.A

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-24h-mo-cua-xe-o-to-bat-can-khien-mot-phu-nu-bi-xe-khac-can-tu-vong-a591598.html