Thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp xi măng lao đao
Theo số liệu trên Đầu Tư, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã Ck: BCC) ghi nhận, doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 335 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế quý I giảm 156% (tương ứng 136 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế âm 48,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/03/2023, tổng tài sản của Xi măng Bỉm Sơn là 4.115 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là 418 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 353 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần thời điểm đầu năm, phần lớn là phải thu từ khách hàng.
Kêt quả kinh doanh quý I/2023 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên cũng không sáng hơn, khi doanh thu và lợi nhuận đều kém xa cùng kỳ.
3 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần gần 1.691 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.957 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 163,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý I, Vicem Hà Tiên báo lỗ 86 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 25 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2022 Hà Tiên đạt doanh thu 9.473 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2021, lợi nhuận gộp của Công ty đạt 892 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 258 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 371 tỷ đồng của năm 2021 và đây cũng là mức thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2013.
Nguyên nhân tác động đến hiệu quả kinh doanh trong năm qua của doanh nghiệp là do giá vốn tăng 30% do tác động bởi giá than, giá dầu thế giới tăng cao làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, khiến Công ty bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Trong bối cảnh kinh doanh xi măng khó khăn, nguồn cung trong nước dư thừa vài chục triệu tấn, chi phí sản xuất tăng, Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 8.987 tỷ đồng và lãi sau thuế 276 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu đi ngang so với mức thực hiện năm 2022 còn mục tiêu lợi nhuận tăng nhẹ 7%.
Công ty đặt mục tiêu sản xuất 4,4 triệu tấn clinker và 6,5 triệu tấn xi măng, lần lượt giảm 0,6% và tăng 1,44% so với năm ngoái.
Trao đổi với Kinh Doanh, ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên, trước thời điểm tăng giá than vào tháng 2, tháng 3/2022, tỷ trọng than chiếm từ 40 - 45% giá thành sản xuất clinker (tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau) còn giá điện chiếm 10%. Tuy nhiên, trong năm 2022 và hiện nay, giá than đã chiếm tới 56% giá thành sản xuất, còn tỷ trọng của giá điện chiếm tới 35%. Đáng chú ý, biên lãi gộp của công ty này giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 4%. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng giá vốn bán hàng khiến lợi nhuận tiếp tục giảm. Tính ra, trong quý 1/2023 Xi măng Hà Tiên lỗ kỷ lục 86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 25 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoành Vân, Tổng giám đốc BCC, thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển tăng cao.
Ông Vân nhấn mạnh nhu cầu sử dụng xi măng bao đang đang dần thấp hơn xi măng rời, tiếp tục làm giảm lợi thế về thương hiệu của xi măng Vicem Bỉm Sơn, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong báo cáo mới phát hành về “tác động giá điện tăng 3%” từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, ngành xi măng đã được “chỉ tên” là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực, cụ thể là tác động giá vốn hàng bán của một số doanh nghiệp (DN) từ động thái tăng giá điện lên 3% của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ tháng 5/2023.
Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của covid-19; các công trình, dự án cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi. Cùng đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm, thị trường xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu.
Trước những khó khăn trong năm 2023, đối với các doanh nghiệp xi măng được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó các doanh nghiệp này cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định; đặc biệt phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ quang mức 65-66 triệu tấn, xuất khẩu sụt giảm mạnh vì thuế phòng vệ thương mại cũng như thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5 lên 10% từ đầu năm nay.
Ngành xi măng từ tháng 5 trở đi còn đối diện với chi phí sản xuất tăng do giá điện tăng thêm 3% từ 4/5. Giá than dù hạ nhiệt so với cao điểm trong năm 2022 nhưng vẫn ở mặt bằng rất cao, gây áp lực tới hiệu quả kinh doanh của ngành.
Thông tin trên Kinh tế Việt Nam, Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp cụ thể để bình ổn thị trường xi măng, tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh việc tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất xi măng; kết hợp nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sulfat phục vụ xây dựng dự án, công trình ven biển, hải đảo.
Bộ Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định. Đặc biệt phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu (như điện, than, xăng, dầu) là đầu vào của ngành sản xuất xi măng.
Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2022, ngành xi măng cực kỳ khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng. Giá than nhập khẩu tăng mạnh khiến sản xuất không hiệu quả. Dự báo năm 2023 còn khó hơn, nếu thực hiện tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% thì doanh nghiệp sản xuất không chịu nổi.
Thời gian tới, toàn ngành xi măng phấn đấu giảm chi phí sản xuất, lưu thông để giảm giá bán, bình ổn, cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá trong năm 2023.
Hiện cả nước có trên 103 dây chuyền sản xuất xi măng, 63 nhà máy tổng công suất trên 107 triệu tấn/năm. Con số này còn tiếp tục tăng khi nhiều dự án đang được đầu tư và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 123 triệu tấn/năm.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp ngành xi măng, hiện giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng như than, giá cước vận tải tăng mạnh; trong khi tiêu thụ chậm lại, tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá, hệ quả là biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm đáng kể. Vì vậy, mới đây, Hiệp hội xi măng Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker kể từ ngày 1/1/2023 theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tieu-thu-giam-sau-du-bao-va-giai-phap-vuot-kho-cua-nganh-xi-mang-nam-2023-a591609.html