Khó khăn trong phát hiện sở hữu chéo
Theo Tiền Phong, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ kế hoạch thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu tại các nhà băng để ngăn tình trạng sở hữu chéo trong năm nay.
NHNN cho biết, tình trạng sở hữu cổ phần, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định. Điều này dẫn đến tình trạng tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Ngoài ra, NHNN cũng chỉ ra khó khăn trong ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng, doanh nghiệp thuộc sự quản lý của các bộ, ngành.
Bởi lẽ, đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các tổ chức tín dụng. Cơ quan này đánh giá rất khó phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định danh tính liên quan sở hữu của doanh nghiệp, nhất là đơn vị không phải công ty đại chúng.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định về sở hữu chéo/sở hữu vượt quy định hoặc lách các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan.
Điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được. Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con, song các tập đoàn lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền.
Chuyển cơ quan điều tra nếu có vi phạm
Định hướng trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng vào bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn).
Thông qua thanh tra vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn, nhà chức trách sẽ giám sát an toàn hoạt động của ngân hàng đó và xem xét chuyển cơ quan điều tra nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, các bộ, ngành cần giám sát việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trực thuộc tại các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn, trả nợ đúng hạn.
Ngoài ra, NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Vân Anh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngan-so-huu-cheo-se-thanh-tra-chuyen-nhuong-co-phan-co-phieu-tai-ngan-hang-a591635.html