Nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, vì nước chiếm đến 70 – 80% trọng lượng cơ thể. Một người trưởng thành có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 – 4 ngày. Nước sạch có vai trò trong cơ thể như sau:
– Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước sạch mà hàng ngày chúng ta thường sử dụng có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe.
– Nước sạch được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đối chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi.
– Nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân.
– Nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể. Nước làm cơ thể giải phóng nhiệt độ khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể.
– Ngoài ra nước còn có tác dụng bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp linh động. Nó còn có tác dụng giảm xóc cho mắt, tủy sống kể cả thai nhi trong nước ối.
Nói chung, nước rất quan trọng đối với cơ thể cũng như cuộc sống của chúng ta.
Với sự thay đổi của điều kiện sống, hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn sử dụng loại nước tinh khiết, nước khoáng với ý nghĩ những loại nước này sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe.
Thế nhưng, nước đun sôi để nguội vẫn là loại nước phổ biến nhất. Việc đun sôi nước rất đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều người có thói quen sai lầm khi đun nước. Nếu uống loại nước này sẽ âm thầm gây tổn hại cơ thể. Những sai lầm phổ biến đó là:
- Đun nước chưa kỹ
Khi nhiệt độ nước đạt 100 độ C, tác dụng diệt khuẩn của nó mới phát huy hết tác dụng. Nếu ấm nước mới chỉ bắt đầu sôi, nổi bong bóng li ti mà bạn đã tắt bếp thì không ổn.
Thực tế, nhiệt độ nước lúc này chỉ đạt khoảng 80 độ C nên khó có thể tiêu diệt các mầm bệnh.
- Đun nước máy buổi sáng
Chuyên gia sức khỏe khuyên rằng không nên sử dụng nước máy chảy từ vòi trong 5 phút đầu để sinh hoạt. Chúng không thích hợp để uống.
Sau một đêm, thành phần trong nước có thể phản ứng với đường ống và vòi nước bằng kim loại sinh ra một số vi khuẩn không tốt cho sức khỏe.
- Tắt bếp ngay khi đun sôi
Hiện nay, hầu hết nguồn nước máy đã qua xử lý khử trùng bằng clo. Dù ở mức cho phép nhưng sự tương tác của clo và chất hữu cơ trong nước có thể sinh ra một số chất độc hại.
Do vậy, nếu dùng nước máy để đun, bạn nên mở nắp và tiếp tục đun thêm 2 phút nữa. Bằng cách này, chất độc sẽ bay hơi ra ngoài. Tuy nhiên, cũng không nên đun nước quá lâu. Đun càng lâu, các chất độc hại không thể bay hơi trong nước sẽ bị cô đặc lại do nước bốc hơi. Điều này cũng không tốt cho cơ thể.
Ngoài ra cũng không nên trộn lẫn giữa nước đun sôi mới vào nước đun sôi cũ hay lưu trữ nước lâu ngày vì vô tình sẽ khiến các loại vi khuẩn gia tăng nhanh chóng. Các nghiên cứu cho thấy nước đun sôi sau 2 tiếng đã bắt đầu có vi khuẩn xuất hiện trở lại. Sau 24 tiếng, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Tp.HCM, để nước đun sôi đạt hiệu quả bảo vệ cơ thể tốt nhất, các gia đình cần sử dụng hết trong một ngày, không nên để sang ngày hôm sau. Các cách thức bảo quản nước đun sôi để nguội, tránh vi khuẩn bao gồm:
- Đặt trong khu vực sạch sẽ, dụng cụ chứa nước bằng thủy tinh, sành, sứ, nhựa nguyên sinh, kim loại có xuất xứ rõ ràng.
- Bảo quản trong bình kín, có vòi xả để tiện lợi cho mỗi lần lấy nước.
- Định kỳ vệ sinh, súc xả vật dụng chứa nước đun sôi.
- Uống hết trong vòng 24 tiếng.
- Đun nước đủ thời gian và nhiệt độ quy định. Trước khi tắt lửa phải đảm bảo nước đã đạt tới nhiệt độ sôi hoàn toàn 100 độ C, hơi nước và dòng nước chuyển động không ngừng.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/3-sai-lam-khi-dun-nuoc-gay-hai-suc-khoe-nhung-nhieu-nguoi-van-lam-a591667.html