Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 3205/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) về việc một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD, CNNHNNg.
Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD:
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Các TCTD cổ phần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng đối với cổ đông và người có liên quan.
Đối với TCTD có sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ cổ đông lớn xây dựng giải pháp thoái vốn theo quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.
Các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tiếp tục rà soát, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, biến động sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan, nhóm cổ đông cần quan tâm (nếu có) tại TCTD, kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, vi phạm về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng, góp vốn không đúng quy định, ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.
Tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động phát hành thư tín dụng (L/C) nội địa (đặc biệt là UPAS L/C nội địa), đảm bảo đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ (trong đó lưu ý các trường hợp khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng); có biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh từ hoạt động phát hành L/C nội địa, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ xấu, góp phần đảm bảo chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Trước đó, NHNN cũng đã đề xuất một loạt quy định nhằm giới hạn hoạt động cho vay "sân sau" cũng như giới hạn tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại ngân hàng trong dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi.
Theo đó, một cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ ngân hàng, thấp hơn quy định hiện tại là không quá 5%. Tương tự, một cổ đông là tổ chức sẽ không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ ngân hàng (trừ một số trường hợp), cũng thấp hơn mức 15% đang cho phép.
Một số trường hợp được sở hữu quá 10% vốn ngân hàng được NHNN đề xuất là cổ đông sở hữu cổ phần tại TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của TCTD tại công ty con, công ty liên kết theo quy định; sở hữu cổ phần Nhà nước tại TCTD cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định.
Ngoài ra, thay vì để cổ đông và người có liên quan được sở hữu tối đa 20% vốn ngân hàng, NHNN đề xuất đưa tỉ lệ này về mức 15%. Và cổ đông lớn của một ngân hàng cùng người có liên quan không được sở hữu quá 5% vốn của một ngân hàng khác.
Lý giải về các đề xuất trong dự thảo mới, NHNN cho biết qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các TCTD đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các TCTD cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD của cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp xử lý các TCTD yếu kém nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/yeu-cau-cac-ngan-hang-giam-sat-chat-che-viec-gop-von-khong-dung-quy-dinh-a591702.html