Xét xử vụ Alibaba: Người muốn nộp thay 2.500 tỷ đồng cho Thái Luyện đã rút lại đề nghị

Ông Lê Viết An không còn nhu cầu nộp thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện số tiền 2.500 tỷ đồng do rủi ro cao.

Ông Lê Viết An không còn nhu cầu nộp thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện số tiền 2.500 tỷ đồng do rủi ro cao.

Ngày 11/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.

Sau quá trình nhập viện do động thai, suy nhược cơ thể, sáng nay, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (đang tại ngoại) đã có mặt tại tòa. Trả lời câu hỏi của HĐXX, bà Mai cho biết hiện sức khỏe của mình đã ổn định.

Là bị cáo được xét hỏi sau cùng, bị cáo Mai thừa nhận hành vi phạm tội của mình đối với cả hai tội lừa đảo và rửa tiền giống như bản án sơ thẩm. Điều này đồng nghĩa việc bị cáo này thay đổi yêu cầu kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.

Liên quan đến sự việc ông Lê Viết An tự nguyện đứng ra khắc phục hậu quả trả số tiền 2.400 tỷ đồng cho các bị hại, bị cáo Mai cho biết ông An vừa là bạn, vừa là nhà đầu tư của Công ty.

"Trước đó, ông An có đề nghị khắc phục hậu quả thay cho vợ chồng bị cáo nhưng sau khi được chủ toạ phiên toà giải thích nên ông An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà rủi ro cao nên ông này đã rút yêu cầu được khắc phục hậu quả thay", dẫn lời bị cáo Mai nói.

xet xu vu alibaba nguoi muon nop thay 2500 ty cho thai luyen da rut lai de nghi3

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai tại phiên tòa. (Ảnh: )

Trước lời khai trên của bị cáo Mai, chủ toạ phiên toà một lần nữa giải thích lại về hậu quả pháp lý của việc này.

Pháp luật TP.HCM cho hay, chủ toạ cho biết toà không thể ghi nhận sự việc này vào trong bản án vì ông An không phải bị hại trong vụ án.

Thứ hai giao dịch thoả thuận giữa ông An và vợ chồng bị cáo (bị cáo Mai) là một phạm trù khác, là thoả thuận giữa hai bên và không liên quan đến vụ án này.

Phiên tòa chuyển qua xét hỏi làm rõ các yêu cầu của bị hại.

Theo cáo trạng, năm 2016, Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tiếp đó, Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên.

Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vợ bị cáo Luyện là Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Tài chính Công ty CP địa ốc Alibaba) bị phạt 30 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền.

Nguyễn Thái Lực bị phạt 27 năm tù, Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù, các bị cáo còn lại bị phạt từ 10 - 19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng, kế toán, bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tòa sơ thẩm cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận có dự án "ma" của bị cáo Luyện cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tách thửa đất nông nghiệp.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại mà các bị cáo đã lừa đảo.

Việt Hương (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xet-xu-vu-alibaba-nguoi-muon-nop-thay-2500-ty-dong-cho-thai-luyen-da-rut-lai-de-nghi-a591802.html