Áp lực lớn từ nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index không thể bứt phá dù thanh khoản đã có cải thiện, lực mua nhiệt tình đổ vào các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, VN-Index giảm 1,14 điểm, tương đương 0,11% xuống 1.057,12 điểm. Toàn sàn chỉ có 197 mã tăng, còn lại 155 mã giảm, 80 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,52 điểm, tương đương 0,24% lên 214,41 điểm. Toàn sàn có 107 mã tăng, 94 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,29 điểm lên 79,13 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 16 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 14.044 tỷ đồng, tăng 4,7% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE cũng tăng 3,3% lên 11.530 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản thị trường đạt 3.407 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán VCBS: Xét về khung đồ thị ngày, tuy VN-Index kết phiên hình thành nến đỏ giảm điểm nhưng vẫn đang có diễn biến khá tích cực khi tích lũy trong biên độ hẹp trên đường trung bình động MA20. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức dưới 40% tài khoản và chỉ gia tăng tỉ trọng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút được lực cầu tốt.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi thêm từ 3 – 5 phiên tới để thị trường xác nhận rõ xu hướng thay vì giải ngân sớm đối với những cổ phiếu vẫn đang nằm trong vùng tích lũy.
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm nhẹ nhưng kèm volume lớn là tín hiệu cho thấy sự thận trọng đang gia tăng. Tuy sự điều chỉnh có thể xảy ra, đưa điểm số về vùng 1.050-1.055 nhưng MA5 cắt lên MA20 báo hiệu xu hướng hồi phục chưa kết thúc. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu vừa phải.
Chứng khoán Asean SC: Nhóm phân tích cho rằng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn. Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại hỗ trợ 1.050 – 1.055 điểm và lực bán tại kháng cự 1.060 – 1.065 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Tin vắn chứng khoán
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Nếu so với tháng trước, giá cả đã giảm 0,1%. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% so với cùng kỳ và gần như không đổi so với tháng trước.
Dữ liệu CPI tháng 4/2023 được đưa ra sau khi lạm phát ở Trung Quốc hạ nhiệt xuống mức 0,7% trong tháng 3. Trước đó, lạm phát Trung Quốc tạo đỉnh ở mức 2,8% trong tháng 9/2022.
- Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó.
Trong cả 4 tháng đầu năm, xuất khẩu trong nước giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4% so với cùng kỳ, với thặng dư thương mại đạt 6,4 tỷ USD. Lạm phát ở mức 2.8% trong tháng 4, giảm tháng thứ ba liên tiếp từ mức 4,9% hồi tháng 1; lạm phát cơ bản tăng 4,6% do doanh số bán lẻ tăng mạnh 11,5%. Vốn FDI giải ngân từ tháng 1-4/2023 đạt tổng cộng 5,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-125-kien-nhan-cho-de-ro-xu-huong-thi-truong-a591855.html