Doanh nghiệp thuỷ sản lao đao ngay trong quý đầu năm 2023

Quý I/2023, doanh nghiệp thuỷ sản chịu nhiều khó khăn khi doanh thu đồng loạt đi lùi. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí, vẫn có doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 2,6 tỉ USD, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Đầu ra khó khăn khiến mặt bằng giá xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong khi xuất khẩu là kênh tiêu thụ chủ lực của doanh nghiệp thủy sản. Điều này được thể hiện rõ nét qua tình hình kinh doanh lao dốc của loạt các doanh nghiệp ngành thuỷ sản ngay trong quý đầu năm 2023.

Minh chứng của sự suy thoái

Với danh xưng “nữ hoàng cá tra", kết quả kinh doanh trong quý I/2023 của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) là minh chứng rõ nét cho sự suy thoái của ngành thuỷ sản.

Theo đó, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn trong quý I/2023 đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán được tiết giảm mạnh, tuy nhiên lợi nhuận gộp trong quý vẫn giảm 50%, xuống còn 384 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận tín hiệu khởi sắc nhẹ khi tăng từ 71 tỷ đồng trong quý I/2022 lên 83 tỷ đồng trong quý I/2023, chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái đã thực hiện; chi phí tài chính ở mức 90 tỷ đồng, tăng 113% . Sau khi trừ các chi phí, Vĩnh Hoàn báo lãi hơn 226 tỷ đồng, giảm tới 59% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự như Vĩnh Hoàn, báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico - HoSE: ANV) thể hiện rõ xu hướng giảm ở cả doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Navico trong quý I/2023 đạt 1.155 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ các chi phí, Thuỷ sản Nam Việt ghi nhận 108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022. Sau thuế công ty báo lãi 92 tỷ đồng.

Năm 2023, Navico đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, Navico đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 21,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong tình hình khó khăn chung của toàn ngành, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đa Quốc gia IDI (HoSE: IDI) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2023 đạt 1.762 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ. 

Theo đó, mảng chủ lực cá tra mặc dù giảm nhẹ nhưng vẫn đóng góp lớn nhất cho cơ cấu doanh thu của IDI với 809 tỷ đồng, tương đương 45%. 

Quý I/2023, dù IDI đã tiết giảm mạnh chi phí bán hàng nhờ giảm phí vận chuyển hàng hoá nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, chi phí tài chính đạt 94 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 22 tỷ đồng; tăng lần lượt 95% và 120%. Nguyên nhân chủ yếu là do IDI ghi nhận lãi tiền vay tăng cao và lỗ chênh lệch tỉ giá.

Sau thuế, lợi nhuận của IDI đạt 17,5 tỷ đồng, giảm sâu tới 91% so với số lãi 201 tỷ đồng vào quý I/2022.

Lợi nhuận tăng nhờ tiết giảm chi phí

Cũng theo chiều giảm của doanh thu như các doanh nghiệp trên nhưng Công ty Cổ phần Thực phẩm (HoSE: FMC) vẫn báo lãi tăng trưởng nhờ tiết giảm hợp lý hàng loạt chi phí.

Quý I/2023, Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.008 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thuỷ sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn với 955 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Sao Ta tăng nhẹ 12,5% so với cùng kỳ, lên gần 18 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 43% lên 8,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. 

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 15 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm mạnh gần 3 lần xuống 24 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 48,5 tỷ đồng, tăng 16% so với quý I/2022.

Vua tôm thua lỗ vẫn tích cực trả nợ

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với bức tranh về tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan.

Theo đó, doanh thu thuần của công ty trong quý I/2023 đạt 2.199 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù giá vốn hàng bán được tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp trong quý của “vua tôm" Minh Phú vẫn lao dốc mạnh từ 492 tỷ đồng tại quý I/2022 xuống 123 tỷ đồng tại quý I/2023, tương đương giảm 75%.

Kết quả, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận lỗ 98 tỷ đồng sau thuế, giảm mạnh so với số lãi 91 tỷ đồng vào quý I/2022. Đây cũng là số lỗ kỷ lục của công ty kể từ năm 2009 tới nay.

Giải trình kết quả kinh doanh suy giảm, Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.

Đáng chú ý, mặc dù thua lỗ nhưng dư nợ của Thuỷ sản Minh Phú lại có những tín hiệu cải thiện tích cực. Tính đến cuối tháng 3/2023, dư nợ của Minh Phú là 3.830 tỷ đồng, giảm 21%, trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 90%. Đi sâu về tình hình vay nợ của công ty, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận vay ngắn hạn ở mức 2.877 tỷ đồng, giảm 24% so với số đầu kỳ, tương đương khoảng 907 tỷ đồng.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-thuy-san-lao-dao-ngay-trong-quy-dau-nam-2023-a591859.html