Cuộc "chạy đua" vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không quý I/2023

Trong khi các doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không được “thơm lây” nhờ sự trở lại của thị trường, vận tải hàng hóa hàng không lại gặp khó do nhu cầu xuất khẩu giảm.

Việc thị trường hàng không phục hồi nhất là sự trở lại nhộn nhịp của các đường bay quốc tế không chỉ khiến cho các hãng hàng không lấy lại đà tăng trưởng mà còn giúp nhiều doanh nghiệp trong mảng dịch vụ phi hàng không được “thơm lây”.

Nhiều doanh nghiệp “ăn nên, làm ra”

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (UPCoM: SAS), trong quý I, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần gần 567 tỷ đồng và lãi gộp 288 tỷ đồng, đều tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức trên 50%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt trên 10 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lãi chênh lệch tỉ giá phát sinh, trong khi đó chi phí tài chính không đáng kể (210 triệu đồng). Đặc biệt, khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại, Sasco cũng ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên tương ứng 189 tỷ đồng và 64 tỷ đồng (gấp nhiều lần cùng kỳ).

Kết quả, Sasco lãi ròng trên 36 tỷ đồng trong quý I/2023, cao gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,76 tỷ đồng).

Theo lý giải của doanh nghiệp, mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận là do tình hình kinh doanh của công ty đã được khôi phục bình thường trở lại, trong khi cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng do các đường bay quốc tế đã được nối chuyến nhưng tốc độ hồi phục diễn ra chậm, tần suất khai thác chưa cao.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Sasco đạt 1.992 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 20%, tương đương 397 tỷ đồng; tiếp sau đó là đầu tư tài chính dài hạn với trên 13%, tương đương 266 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn với 12%, tương đương 245 tỷ đồng.

Dư nợ phải trả của Sasco ở mức 563 tỷ đồng, chiếm 28% trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, tăng nhẹ trên 8% so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 1.428 tỷ đồng, trong đó có 89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cuộc 'chạy đua' vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không quý I/2023

Các cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài.

Cũng “ăn nên làm ra" khi các chuyến bay quốc tế trở lại ngày càng nhộn nhịp, Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS - HOSE: SGN) ghi nhận doanh thu thuần 329 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 97 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng lần lượt 95% và 88% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, các hoạt động tài chính không đáng kể, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 63%, ở mức trên 30 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Phục vụ mặt đất Sài Gòn đạt gần 70 tỷ đồng (tăng 94%) và lãi ròng đạt 56 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, SGN đặt kế hoạch kinh doanh đem về 1.280 tỷ đồng doanh thu và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với năm liền trước, các chỉ tiêu này lần lượt tăng 27% và 32%. Trước đó, năm 2022, SGN báo doanh thu đạt 1.016 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỷ đồng.

Nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc, các chỉ số tài chính của SAGS đều khả quan. Theo đó, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 1.152 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, trong đó dư nợ phải trả (tập trung chủ yếu là nợ ngắn hạn) chiếm 20% trong cơ cấu tài sản với 234 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ gần 7% so với đầu năm, đạt 918 tỷ đồng, trong đó có 207 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 302 tỷ đồng dành cho quỹ đầu tư phát triển.

CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (HOSE: AST) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi hơn 100 cửa hàng bán lẻ sân bay Việt Nam, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng, cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan trong quý I

Theo đó, quý I, doanh nghiệp này ghi nhận 263 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ; trên 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (so với mức lỗ gần 24 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022). Đây là mức lãi ròng cao nhất của doanh nghiệp trong 3 năm trở lại đây.

Nhờ kinh doanh khởi sắc, tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng khả quan hơn. Tổng tài sản tăng nhẹ so với đầu năm, đạt 587 tỷ đồng, trong đó dư nợ phải trả chỉ chiếm trên 16% với 98 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu tăng 7%, đạt 489 tỷ đồng. Đáng chú ý, Taseco vẫn đang lỗ lũy kế gần 30 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2020, 2021.

Tương tự, CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) trong quý I/2023 cũng ghi nhận tình hình kinh doanh tích cực khi doanh thu tăng đến 148% so với cùng kỳ, đạt 149 tỷ đồng; lãi ròng dù chỉ có trên 10 tỷ đồng nhưng đã tăng gấp nhiều lần so với mức lỗ gần 6 tỷ đồng trong cùng kỳ.

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) cũng ghi nhận doanh thu tăng 79% so với cùng kỳ, đạt trên 30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 200 triệu đồng (so với mức lỗ 1,6 tỷ trong cùng kỳ).

Nhu cầu vận tải hàng hóa hàng không giảm

Đáng chú ý, quý I/2023 lại chứng kiến sự chấm dứt 2 năm “thuận buồm xuôi gió” của các doanh nghiệp đầu tàu trong mảng vận tải hàng hóa hàng không.

Trong quý I/2023, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) ghi nhận doanh thu thuần 162 tỷ đồng và lãi ròng 113 tỷ đồng, giảm tương ứng 34% và 40% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, doanh thu và lãi ròng của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) cũng giảm tương ứng 21% và 25% so với cùng kỳ, đạt 150 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Ngoài ra, biên lãi gộp cũng giảm, trong đó SCS hạ xuống mức 76%, còn NCT xuống 43%.

Tình cảnh này trái ngược với hai năm trước đó, khi nhu cầu hàng hóa bùng nổ, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đã thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa qua đường hàng không. 

Hồ sơ doanh nghiệp - Cuộc 'chạy đua' vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không quý I/2023 (Hình 2).

Kinh tế thế giới khó khăn khiến nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến sản lượng vận tải hàng hóa hàng không. 

Theo giải trình của SCS, kết quả kinh doanh lao dốc vì tổng sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 45% so với cùng kỳ, giữa bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế khó khăn cũng là lý do mà NCT đưa ra. Công ty cho biết trong quý I/2023, tình hình không thuận lợi vì kinh tế thế giới khó khăn và xuất khẩu giảm mạnh. “Do đó, sản lượng phục vụ của công ty trong quý I/2023 cũng bị ảnh hưởng không nhỏ”, NCT cho biết.

Ngoài ra, mức giảm mạnh còn đến từ việc sản lượng hàng hóa qua đường hàng không đã tăng đột biến trong quý I/2022 – giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đeo bám.

Điểm tích cực là dù kết quả kinh doanh hạ nhiệt, nhưng bảng cân đối kế toán của hai doanh nghiệp trên vẫn lành mạnh. SCS có hơn 1.136 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 93% là tiền mặt và khoản đầu tư nắm giữ tới đáo hạn. Công ty không có vay và nợ thuê tài chính.

Về phía NCT, doanh nghiệp này nắm trong tay 168 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 43 tỷ đồng là tiền và khoản đầu tư nắm giữ tới đáo hạn và 111 tỷ đồng khoản phải thu. Ở bên kia bảng cân đối, công ty có vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 123 tỷ đồng.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cuoc-chay-dua-van-chuyen-hang-hoa-bang-duong-hang-khong-quy-i2023-a592094.html