Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm sâu nhất trong quý I, xét trong giai đoạn 2009 đến nay.
Còn theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
“Sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi”, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho hay.
Kết quả này đến từ việc các doanh nghiệp sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Đồng thời, doanh nghiệp may thiếu đơn hàng và giá gia công giảm mạnh 20 - 50%. Song song đó, chi phí (xăng dầu, lương, điện, lãi suất) trong nước có xu hướng tăng.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành dệt may công bố kết quả kinh doanh với sụt giảm đáng kể, “teo tóp” về cả doanh thu và lợi nhuận.
Lãi sụt giảm, thậm chí báo lỗ
Là doanh nghiệp lớn trong ngành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex – VGT) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý I/2023 giảm 14% so với cùng kỳ đạt gần 4.209 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 71%, đạt 92,5 tỷ đồng.
Vinatex cho hay, tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022, sang đầu năm 2023, ngành sợi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao, giá bông xuống mức thấp nhất khiến giá sợi chưa có khả năng cải thiện.
Mặt khác, xuất khẩu sợi của Việt Nam đi Trung Quốc suy giảm cả về lượng và giá. Từ bối cảnh trên, các đơn vị sợi của tập đoàn đều có hiệu quả thấp, làm kết quả hợp nhất của Vinatex giảm mạnh so với hiệu quả của quý I năm trước.
Trong quý I, Sợi Thế Kỷ (mã: STK) ghi nhận 288 tỷ đồng doanh thu, 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 55% và 97% so với cùng kỳ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm.
Sự tụt dốc không phanh của Sợi Thế Kỷ xuất phát từ doanh số và giá bán bình quân của công ty thấp hơn cùng kỳ, do khách hàng thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù các chi phí đã được tiết giảm đáng kể, chỉ tiêu lợi nhuận vẫn không thể cải thiện.
Năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu 2.149 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng. Như vậy, sau một quý, công ty đã thực hiện được 13% kế hoạch doanh thu và còn cách xa chỉ tiêu lợi nhuận.
May Sông Hồng (mã: MSH) giảm một nửa doanh thu trong quý I/2023, đạt 637 tỷ đồng và giảm 67% lợi nhuận sau thuế, đạt 27,3 tỷ đồng.
Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - GIL) thậm chí báo lỗ gần 39 tỷ đồng trong quý I/2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 107 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp tính từ quý IV/2016 đến nay.
Theo giải trình, nguyên nhân thua lỗ của Gilimex là do đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán sụt giảm. Cùng với đó, công ty đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất, khiến chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh.
Ngoài ra, việc mất đi khách hàng lớn nhất là Amazon cũng khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Thê thảm hơn, Garmex Sài Gòn (mã: GMC) ghi nhận quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp với mức lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu tụt dốc tới 94%, còn chưa tới 8 tỷ đồng trong bối cảnh thiếu đơn hàng, đơn hàng lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp. Đến 31/3/2023, tổng lỗ lũy kế của công ty là hơn 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với tình hình đơn hàng khó khăn, quý I/2023, Garmex Sài Gòn buộc phải thu hẹp hoạt động, đồng thời, phải mạnh tay cắt giảm nhân sự để kiểm soát chi phí.
Đến cuối tháng 3/2023, số lượng nhân viên của công ty chỉ còn 185 người, giảm 1.797 người so với đầu năm. Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp cũng cắt giảm gần nửa số nhân viên, từ 3.810 người xuống 1.982 người.
Một số doanh nghiệp khác như Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM), May Việt Tiến (mã: VGG), May mặc Bình Dương (mã: BDG), Damsan (mã: ADS) cũng chứng kiến lợi nhuận bốc hơi từ 30 – 60%.
“Chấm sáng” trong ngành
Trong bối cảnh ngành dệt may đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, hàng tồn kho tăng cao, Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 khả quan với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.
Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.334 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 5%. So với kế hoạch năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, TNG đã thực hiện được 19% về doanh thu và 17% kế hoạch về lợi nhuận.
Tương tự, Tổng Công ty May 10 (mã: M10) đạt 881 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 23,2 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo kém tích cực đến hết năm
Trong báo cáo về ngành dệt may, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023, qua đó giúp xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
VNDirect cho rằng, các doanh nghiệp sợi như Sợi Thế Kỷ, Damsan, Dệt may Hòa Thọ sẽ có dấu hiệu phục hồi từ quý III/2023, sớm hơn so với các doanh nghiệp may mặc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp gia công may mặc sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 do đơn hàng giảm mạnh. Do đó, khả năng phải đến quý cuối năm, các doanh nghiệp gia công may mặc mới có thể phục hồi khi lạm phát tại Mỹ và EU hạ nhiệt.
VNDirect thậm chí dự báo các công ty gia công may mặc lớn như Vinatex, Dệt may Thành Công, Garmex Sài Gòn, Gilimex sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng âm trong năm 2023.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-det-may-chua-het-kho-a592123.html