Những ngày này, ngư dân vùng bãi ngang các xã Quảng Phú, Quảng Đông, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, lại rộn ràng ra biển khai thác rong biển (người dân địa phương còn gọi là rong mơ).
Vùng biển bãi ngang của các địa phương huyện Quảng Trạch nằm ở vịnh ít sóng gió nên trở thành điều kiện tốt cho cây rong biển phát triển. Ở những vùng nước không sâu, cây rong biển mọc dài lên đến gần 3m, ngọn mấp mô trên mặt sóng. Rong mơ nằm ở vùng biển cách bờ khoảng 800m, vì vậy, người dân ở đây phải dùng phương tiện là thuyền thúng hoặc thuyền gắn máy.
Nghề cắt, vớt rong mơ đã gắn bó với ông Lê Vinh, 70 tuổi, trú tại thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, từ nhiều năm qua. Theo ông Vinh, mùa khai thác rong mơ hàng năm thường bắt đầu từ giữa cuối tháng 4 đến hết tháng 6 dương lịch. Năm nay rong được mùa, được giá, nên người dân rất phấn khởi.
Ông Vinh chia sẽ: "So với nghề đánh bắt hải sản, thì việc khai thác rong mơ dễ dàng và ít tốn kém chi phí đầu tư hơn. Ngư dân khai thác rong chỉ cần một cái thúng bơi ra khu vực gần gành đá là có thể lặn khai thác rong mơ. Trung bình mỗi ngày, một ngư dân có thể khai thác được 2 tạ đến 3 tạ rong mơ tươi".
Mỗi chuyến đi vớt rong thường từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Sau khi rong đầy khoang thì các ngư dân cập bờ để phơi. Dọc theo bãi biển vùng bãi ngang các xã Quảng Phú, Quảng Đông, rong mơ được bà con ngư dân khai thác mang về phơi dày trên bãi biển.
Theo một số ngư dân, năm nay giá rong mơ được các thương lái mua trên 7.000 đồng/kg. Với giá hiện tại thì mỗi ngày ngư dân khai thác rong mơ có thể thu về cả triệu đồng/người.
Theo tìm hiểu, trước đây, người dân khai thác rong mơ một cách ồ ạt theo kiểu tận thu, nhưng những năm gần đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc khai thác bền vững.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Bình cho biết, tại vùng bãi ngang các xã Quảng Phú, Quảng Đông, ngoài nguồn thu nhập chính từ nghề đánh bắt thủy hải sản, ngư dân còn có thêm nguồn thu nhập phụ khá cao từ việc khai thác rong biển.
Cũng theo ông Linh, một số loài rong biển bị cấm khai thác vào các thời điểm trong năm để loại sản vật này có thời gian phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các loại hải sản về trú ngụ, sinh sản trong bãi rong. Để làm được điều này cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan thủy sản và cộng đồng dân cư để bảo vệ nguồn lợi bền vững, lâu dài.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-canh-lan-tim-loc-troi-duoi-bien-cho-thu-nhap-tien-trieu-mot-ngay-a592167.html