Bộ Y tế yêu cầu phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế
Thông tin trên Tin Tức, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, thời gian gần đây, thời tiết tại nhiều vùng trên cả nước có nắng nóng diện rộng, ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân và môi trường làm việc. Để phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, bảo đảm an toàn và nâng cao sự hài lòng người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh. Các đơn vị phối hợp với các đơn vị truyền thông, trung tâm y tế dự phòng... trên địa bản tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống nắng nóng và thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu đánh giá lại thật chính xác tiêu chí A1.2 "Người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật” trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2.0 để bổ sung, khắc phục ngay cơ sở hạ tầng nếu chưa làm hoặc xuống cấp; khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.
Đồng thời, các đơn vị rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính... Lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa cho các khu vực cần thiết; huy động các nguồn kinh phi mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.
Cùng với chuẩn bị các phương án, các cơ sở y tế cũng được yêu cầu bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ; bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng; duy trì bệnh viện xanh, sạch và bổ sung cây xanh nếu cần thiết.
Đối với các bệnh viện có nguồn lực hạn chế hoặc gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, đơn vị cần phân công lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phòng và phòng tổ công tác xã hội huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhà hảo tâm, doanh nghiệp... chung tay, chia sẻ khó khăn cùng bệnh viện; đầu tư, tài trợ các phương tiện quạt, điều hoà, cây nước uống... nhằm phục vụ, nâng cao sự hài lòng người bệnh nhân viên y tế.
Hà Nội học sinh nghèo được hỗ trợ thế nào?
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2022-2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tin trên Đại Đoàn Kết, Tp.Hà Nội dự kiến đề xuất HĐND thành phố tạm dừng hỗ trợ từ năm học 2023-2024 và áp dụng mức thu mới.
Thực tế, năm học 2022-2023, Hà Nội quyết định tăng học phí theo Nghị định 81. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19, thành phố đã chi hơn 1.100 tỷ đồng để cấp bù phần chênh lệch tăng so với năm 2021 và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm học 2022-2023 không tăng so với trước.
Dù nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng chủ trương điều chỉnh học phí của thành phố cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, nhất là những gia đình đông con, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nên có lộ trình trong việc giảm hỗ trợ để các gia đình có thời gian thích nghi.
Trước băn khoăn của phụ huynh, ông Trần Thế Cương khẳng định, năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Ước tính, số lượng trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí là 16.623 học sinh; tổng kinh phí hỗ trợ ước khoảng 16,6 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách miễn học phí, năm học 2023-2024, Tp.Hà Nội sẽ áp dụng chính sách giảm học phí với hai mức giảm là 70% và 50%, tùy từng đối tượng. Mức giảm 70% được áp dụng cho các trường hợp học sinh học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số ở thôn, bản đặc biệt khó khăn...
Các trường hợp được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo.
Quảng Ninh: Tai nạn lao động khiến 1 thợ mỏ tử vong
Thông tin trên VOV, một thợ mỏ của Công ty Than Quang Hanh - TKV (Tp.Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã bị đá rơi vào người trong lúc đang làm việc, dẫn đến tử vong.
Vụ tai nạn xảy ra sáng 20/5 tại lò chợ mức -175 đến -130 của Phân xưởng Khai thác 3, Công ty Than Quang Hanh - TKV (Tp.Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Sau khi vào ca 1, công nhân Vũ Đức H (SN 1980, thợ bậc 3/5) được phân công làm việc tại khu vực đầu lò chợ. Trong quá trình làm việc, anh H không may bị đá rơi vào người dẫn đến tử vong.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ban-tin-225-bo-y-te-yeu-cau-phong-chong-nang-nong-cho-nguoi-benh-va-nhan-vien-y-te-a592461.html