Thông thường, chúng ta cần khoảng 2-3 giờ sau khi ăn để thức ăn có thể tiêu hóa hết và cơn đói sẽ không xuất hiện trong khoảng 3-4 giờ sau bữa ăn. Tất nhiên, thời gian đói cũng phụ thuộc vào loại thực phẩm chúng ta ăn, thời gian tiêu hóa sẽ nhanh hơn nếu bạn ăn toàn carb và rau. Nhưng nếu bạn ăn thực phẩm giàu protein, nhiều chất béo, nhiều calo, thì tốc độ tiêu hóa sẽ tương đối chậm. Nếu cảm thấy cơn đói ập đến ngay sau khi ăn hãy cẩn thận với 5 căn bệnh dưới đây.
1. Cường giáp
Tên đầy đủ của cường giáp là hyperthyroidism. Đây là một bệnh trong đó tuyến giáp tổng hợp và giải phóng quá nhiều hormone tuyến giáp, gây ra tình trạng cường trao đổi chất của cơ thể và hưng phấn thần kinh giao cảm. Hơn nữa, hormone tuyến giáp có thể thúc đẩy nhu động ruột, có thể dẫn đến số lần đi vệ sinh tăng lên đáng kể, dẫn đến cảm giác đói thường xuyên ở người bệnh. Đồng thời, trong giai đoạn khởi phát cường giáp, nó có khả năng khiến quá trình trao đổi chất tổng thể của bệnh nhân bị đẩy nhanh đáng kể, dẫn đến hoạt động của hệ tiêu hóa không bình thường.
2. Gan nhiễm mỡ
Một số bệnh nhân gan nhiễm mỡ còn có thể gặp triệu chứng ăn quá nhiều và nhanh đói sau bữa ăn. Nhìn chung, bệnh nhân gan nhiễm mỡ thường có các biểu hiện như đầy bụng, chán ăn. Các triệu chứng này chủ yếu là do mỡ trong gan tích tụ quá nhiều dẫn đến khả năng dự trữ glycogen của gan giảm, từ đó khiến một số bệnh nhân gan nhiễm mỡ có triệu chứng nhanh đói sau bữa ăn.
3. Vấn đề về dạ dày
Dạ dày là cơ quan giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, thức ăn ăn vào sẽ được axit dịch vị trong dạ dày trung hòa, sau đó đi vào đường ruột để tiêu hóa và hấp thụ. Do đó, việc tiết axit dạ dày có bình thường hay không cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tiêu hóa thức ăn mà chúng ta nạp vào cơ thể.
Nếu axit dạ dày tiết ra quá nhiều không chỉ dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn nhanh mà còn gây tổn thương cho dạ dày do axit dịch vị tiết ra quá nhiều dẫn đến buồn nôn, nôn, ợ chua. Theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày và thậm chí là ung thư.
4. Bệnh tiểu đường
Ăn nhiều nhưng vẫn nhanh đói cũng cần cảnh giác xem có bị tiểu đường hay không. Nhìn chung, sự bài tiết insulin ở bệnh nhân đái tháo đường giảm dẫn đến quá trình chuyển hóa insulin không thành công, khiến đường huyết trong cơ thể bất thường. Biểu hiện rõ nhất của việc đường huyết trong cơ thể bất thường là người bệnh có thể gặp các triệu chứng như khô miệng, tăng uống nước, tăng tần suất đi tiểu ở các mức độ khác nhau.
Ngoài các triệu chứng này, bệnh nhân thường cảm thấy đói vì không thể chuyển hóa đường đúng cách, điều này ngăn cản quá trình chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích. Vì vậy, trong trường hợp bình thường, bệnh nhân đái tháo đường cũng gặp phải tình trạng dù ăn nhiều nhưng vẫn nhanh đói.
5. Chức năng thận bất thường
Các chất dinh dưỡng mà cơ thể con người hấp thụ đều phải qua thận lọc, lúc này nếu thận có vấn đề thì các chất dinh dưỡng không thể đi vào máu một cách bình thường, sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và xuất hiện cơn đói. Ngoài ra, mọi người cũng có thể gặp các triệu chứng như da xấu, phát ban và nước tiểu có màu bất thường.
Hà Thương (Theo Aboluowang)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thuong-xuyen-cam-thay-doi-rat-co-the-ban-da-mac-phai-5-can-benh-nay-a592476.html