Cố gắng hết sức vẫn không kịp cứu bệnh nhân
Chiều 25/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Tp.HCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp các thông tin được dư luận quan tâm trên địa bàn. Tại buổi làm việc, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM đã chia sẻ về tình trạng thiếu một số loại thuốc hiếm.
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, địa phương không có sẵn các thuốc cấp cứu để ứng phó với các trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra. Đối với các trường hợp đột xuất phát sinh, nguồn cung ứng đối với các loại thuốc này vẫn là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.
Ngày 22/5, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp ngộ độc botulinum toxin do các bệnh viện trên địa bàn Tp.HCM (Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định và Nhi Đồng 2) và Sở Y tế Tp.HCM báo cáo, Cục Quản lý Dược đã có công văn khẩn cấp gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị hỗ trợ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT).
Ngày 23/5, WHO đã tích cực rà soát và điều phối thuốc và có công văn phản hồi thực hiện phương án vận chuyển thuốc khẩn cấp dưới sự can thiệp và hỗ trợ của Bộ Y tế về thủ tục nhập khẩu thuốc.
Đến 19h ngày 24/5/2023, 6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tại TpHCM, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵng sàng các phương án, cùng với lãnh đạo Cục Quản lý Dược và đại diện các đơn vị tiếp nhận thuốc. Đến 21h, các thủ tục giao nhận khẩn cấp hoàn tất.
Tuy nhiên, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum ở Tp.HCM tử vong ngay trong đêm thuốc giải được chuyển từ Thụy Sĩ về Việt Nam. Hai trường hợp đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không kịp sử dụng vì quá thời gian truyền thuốc hiệu quả nhất. Hai người bệnh (18 tuổi và 26 tuổi) cầm cự hơn 10 ngày bằng thở máy trong tình trạng liệt cơ gần như hoàn toàn.
Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thêm, thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có ban hành kèm theo thông tư của Bộ Y tế quy định. Theo danh mục này, hiện nay Tp.HCM đang thiếu một số thuốc như thuốc nhỏ mắt Atropin (Bệnh viện Mắt), thuốc uống Acitretin (Bệnh viện Da liễu), thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat (Bệnh viện Da liễu), thuốc tiêm Mitoxantrone (Bệnh viện Truyền máu Huyết học), thuốc tiêm Idarubicin (Bệnh viện Truyền máu Huyết học) và thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate (Bệnh viện Truyền máu Huyết học).
Đây hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. Các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng.
“Để đáp ứng nhu cầu điều trị, các bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán. Vì thế, Sở Y tế đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước”, bà Như nói.
Nhu cầu thuốc hiếm cần đánh giá chính xác
Thực tế này cũng được lãnh đạo các bệnh viện phản ánh, thời gian qua, nhiều loại thuốc giải độc, chống độc rất thiếu ở Việt Nam. Đây là những thuốc thường ít khi bệnh nhân sử dụng, giá rất đắt nên các bệnh viện không dự trữ hoặc cần Bộ Y tế phê duyệt mua sắm. Điều này dẫn đến khi bệnh nhân có nhu cầu thì không có thuốc dùng, chậm trễ điều trị.
Vào tháng 4/2021, một bệnh nhân 14 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang bị rắn hoa cổ đỏ cắn. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, rối loạn đông máu, máu chảy từ vết thương không cầm, xuất huyết nhiều nơi. Dù đã được truyền máu liên tục nhưng bệnh nhi vẫn suy hô hấp, tử vong.
Thời điểm này nhiều nước cũng không có huyết thanh kháng nọc rắn này, chỉ có Nhật Bản đang nghiên cứu, muốn sử dụng phải có ký kết hợp tác nghiên cứu.
PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết hiện nay bệnh viện cũng đang thiếu thuốc Methylen Blue để giải độc cho tình trạng ngộ độc Methemoglobin (có trong củ dền, thuốc diệt cỏ, thuốc nhuộm...).
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM cho hay, thuốc Methylen Blue rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng/lọ nhưng không ai nhập vì số lượng mua quá ít. Nếu mua nhưng sử dụng không hết sẽ bị quy trách nhiệm vì dự trù không sát.
Về huyết thanh kháng nọc rắn, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM có huyết thanh kháng nọc rắn lục, rắn hổ đất trong nước sản xuất; huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp (mua ở Thái Lan). Nhưng cả 2 bệnh viện đều thiếu huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (dùng điều trị những hội chứng nhiễm độc do rắn độc cắn trong tình huống chưa xác định chắc chắn loại rắn).
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin, đối với 1 bệnh nhân bị nọc độc rắn hổ cũng giống như ngộ độc botulinum. Nếu có thuốc giải độc thì bệnh nhân sẽ không phải thở máy, khỏe và sống. Còn không có thuốc thì bệnh nhân thở máy kéo dài nhiều tháng và nguy cơ tử vong do nhiễm trùng huyết, viêm phổi.
“Tất cả những ca bị rắn cắn nếu bệnh nhân đến được bệnh viện và có thuốc giải độc kịp thời thì phần lớn được cứu sống. Nhưng nếu dùng thuốc hiếm mà "xách tay" (thuốc đúng, thuốc tốt) để cứu người khẩn cấp thì phải họp hội đồng chuyên môn, xin phép Sở Y tế cho phép thì mới dám dùng”, PGS.TS Phạm Văn Quang nói.
Trong khi đó, việc ngộ độc botulinum đã từng xảy ra ở Tp.HCM hồi năm 2020 do bệnh nhân ăn pate chay. Lúc đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tài trợ khẩn cấp 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về Việt Nam cứu chữa bệnh nhân.
Tháng 3/2023 xảy ra vụ 10 bệnh nhân ở Quảng Nam ngộ độc sau ăn cá muối chua, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang 5 lọ thuốc giải độc cuối cùng của cả nước đến hỗ trợ điều trị. Vì thế, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất lập quỹ dự trữ thuốc hiếm do Bộ Y tế quản lý, nhằm dễ dàng điều phối đến các địa phương khi cần.
Đề xuất cơ chế đặc thù
Trả lời Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM nhận định, những thuốc hiếm như BAT, huyết thanh trị độc rắn cắn..., nếu chỉ phó mặc cho các cơ sở điều trị đặt mua thì rất khó và cũng chỉ có thể đặt số lượng rất ít (vì thuốc có hạn dùng ngắn và đắt tiền, khó bảo quản). Chưa kể, việc mua thuốc rất gian nan vì các công ty bán với số lượng ít, lợi nhuận không nhiều.
Do đó, cách tối ưu nhất để bảo đảm việc điều trị là phải có dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm. Thuốc nên được Bộ Y tế dự trù 6 tháng hoặc một năm, sau đó đàm phán giá, mua về và dự trữ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM điều chuyển ngay khi cần.
"Việc mua thì phải chấp nhận, nếu cả năm không dùng đến thì phải thấy may mắn, tức là không có ai bị ngộ độc cả, thà mất tiền như vậy còn hơn", bà Lan cho hay.
Tại họp báo hồi tháng 10/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị bệnh hiếm gặp.
Bộ Y tế cũng đẩy mạnh cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với thuốc hiếm. Đồng thời hoàn thiện thể chế về quản lý trang thiết bị y tế; khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồnbotulinum
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/benh-nhan-ngo-doc-botulinum-nganh-y-te-chay-dua-tim-thuoc-hiem-a592717.html