Phòng chống tai nạn, đuối nước đối với trẻ em luôn được giáo dục và các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, giáo dục, tuyên truyền và triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn đáng tiếc như thế nào vẫn luôn là vấn đề trăn trở.
Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh như: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Gia Lai... xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Đặc biệt, vụ việc 3 chị em trong một gia đình tử vong vì đuối nước khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, lo lắng về an toàn của trẻ nhỏ, nhất là khi thời gian nghỉ hè đang tới gần.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Chiên – Phó vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các nước phát triển vì vẫn còn các địa phương có điều kiện tinh tế khó khăn, nhiều hộ gia đình nghèo. Ở những địa phương này, trẻ em không những không có được sự quan tâm, giám sát, trông coi của người lớn mà trẻ em còn phải lao động sớm tại các khu vực sông nước, đồng ruộng và những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.
Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu bể bơi và thiếu các điều kiện đảm bảo về chuyên môn để trẻ em được học bơi an toàn, vui chơi giải trí, ngăn ngừa tình trạng đuối nước, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực miền núi cũng chưa được đảm bảo.
Được biết, vào tháng 5 hằng năm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các địa phương đồng loạt tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chuống đuối nước. Trong đó bao gồm hướng dẫn các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn tự nhiên. Thông tư quy định đối với các cơ sở, lớp học, tổ chức hoạt động bơi phải thực hiện đúng các quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố tri đủ nhân viên chuyên môn và có bảng nội quy quy định và hướng dẫn người dân, trẻ em thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn; đồng thời ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở nêu trên để đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe, tính mạng cho người tham gia các hoạt động bơi lặn, vui chơi giải trí dưới nước.
Phó vụ trưởng cho biết, để góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước của người dân, đặc biệt là trẻ em thì nên xây dựng, phổ biến tài liệu, video clip hướng dẫn về kỹ thuật, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối an toàn. Bên cạnh đó là tổ chức những buổi tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công viên chức, huấn luyên viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên nòng cốt của các tỉnh, thành phố về nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện môn bơi và nhân viên cứu hộ đuối nước cho trẻ em. Thông qua các địa phương tổ chức tập huấn để xây dựng và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ và chuyên môn các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước tại các khu du lịch.
Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải luôn dạy trẻ về nguyên nhân và những nguy cơ đuối nước; giúp trẻ nhận thức rõ để không chơi hoặc không đến gần các nguồn nước mở. Phụ huynh cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết, những bước sơ cứu khi xảy ra sự cố. Chỉ khi đồng bộ các giải pháp và có sự giám sát của gia đình, nhà trường và xã hội, tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ sẽ được đây lùi, giảm thiểu những thương vong không đáng có.
Trung Dũng
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tang-cuong-phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-va-tre-em-dip-he-a592810.html