Trong xã hội hiện đại, khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển thì việc ăn uống của con người cũng được chú ý và cải thiện. Theo đó, có không ít gia đình lựa chọn kiểu ăn “nhà giàu”, hay nói các khác là ăn tinh. Khi thực hiện chế độ ăn này, mọi người thường bỏ đi những phần có ít giá trị dinh dưỡng như vỏ của các loại củ, quả, da của các loại động vật và chỉ ăn phần được cho là có giá trị dinh dưỡng cao.
Hay với một số thực phẩm như hoa quả, họ sẽ xay nhỏ lấy nước uống chứ không cắn cả quả, hay với các loại thịt họ chỉ chọn các phần ngon nhất, nạc nhất, loại bỏ hoàn toàn da, mỡ... Thậm chí, với một số loại thực phẩm như bánh chưng hay giò chả, những người ăn theo "chế độ nhà giàu" còn bỏ hết phần đầu, chỉ ăn nguyên trong lõi. Vì lý do đó mới có câu nói "ăn bánh chưng gọt vỏ, ăn giò bỏ đầu đầy", để ví von cách những người khá giả sử dụng thực phẩm.
Trước vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, đây là kiểu áp dụng máy móc, không khoa học trong ăn uống. Dưới góc độ dinh dưỡng, không phân biệt chế độ ăn giàu nghèo, thực phẩm dành cho người giàu - người nghèo bởi mỗi một thực phẩm đều có những giá trị khác nhau.
Kiểu ăn nhà giàu được khuyến cáo không nên quá lạm dụng vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Đối với việc ăn tinh mà nhiều người vẫn gọi là "chế độ ăn nhà giàu”, thực chất cũng có tính hai mặt nên cần lựa chọn sao cho phù hợp với từng người, đặc biệt là tình trạng sức khỏe của cơ thể.
“Với một người béo phì, tăng cholesterol thì khi ăn thịt gia cầm, ví dụ như thịt gà chúng tôi luôn khuyến cáo là phải bỏ da. Đó cũng được coi là chế độ ăn tinh, nhưng không được coi là ăn kiểu “nhà giàu”. Bởi rất nhiều người giàu có họ vẫn ăn gà cả da, cá cả con, thịt lợn cả bì… nếu họ cảm thấy ngon và phù hợp với tình trạng bệnh lý của họ”, bác sĩ Lâm chia sẻ.
Cũng có những người truyền tai nhau rằng, gia đình giàu có khi sử dụng trái cây thường sẽ xay sinh tố, ép lấy nước uống chứ ít ăn nguyên hạt hay cả quả hoặc chỉ người nghèo mới ăn khoai bỏ vỏ… như vậy mới nhận được những phần tinh túy nhất của thực phẩm. Tất cả những điều trên chỉ là đồn đoán và cách ăn đó về lâu dài không có lợi về mặt dinh dưỡng. Vỏ khoai hay phần "thô" của các loại củ quả cũng có giá trị nhất định, như tăng cường chất xơ. Tuy nhiên, do lượng vỏ không đáng kể nên mọi người nếu vệ sinh sạch sẽ và ăn hợp khẩu vị thì hoàn toàn có thể dùng, chứ không phải người nghèo mới ăn vỏ khoai.
“Với việc ăn hoa quả, nói rằng chế độ ăn "giàu" là phải ép hoặc xay lấy nước là sai lầm. Chúng tôi luôn khuyến cáo ăn hoa cả phải ăn cả miếng, thậm chí một số loại như táo, lê nếu đảm bảo an toàn thì ăn cả vỏ sẽ tốt cho cơ thể rất nhiều so với ăn bỏ vỏ hay xay lấy nước uống”, bà Lâm chia sẻ.
Với các loại hoa quả, việc ăn cả miếng tốt hơn nhiều so với say sinh tố. (Ảnh minh họa)
Cảnh báo về việc quá lạm dụng chế độ ăn tinh một thời gian dài, PGS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, sẽ khiến cơ thể dễ bị tăng đường máu quá mức. Ví dụ như các loại hoa quả nếu uống dưới dạng sinh tố sẽ tăng đường máu nhanh hơn là ăn cả miếng. Điều này cần đặc biệt lưu ý với những người đái tháo đường, vì áp dụng chế độ ăn tinh sẽ khiến tình trạng có thể trầm trọng hơn.
Việc ăn tinh cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, khi không khiến chức năng tiêu hóa được hoạt động một cách đối đa. Ngoài ra, việc lạm dụng ăn tinh sẽ khiến hoạt động nhai giảm tải, điều đó khiến dịch tiết nước bọt bị ảnh hưởng, làm cho miệng không được làm sạch và răng lợi không được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ tự nhiên này.
Cuối cùng, PGS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, cần phải kết hợp hài hòa các nhóm thực phẩm, ăn đa dạng thực phẩm và cả cách chế biến. Không có chế độ ăn nào là phù hợp với tất cả, vì thế mọi người hãy lựa chọn chế độ ăn sao cho phù hợp khẩu vị, phù hợp tình trạng sức khỏe và cân bằng dinh dưỡng.
LÊ PHƯƠNG.