Loại nước bán cả nghìn cốc/ngày khi nắng nóng, ai cũng nghĩ giải nhiệt tốt nhưng sự thật lại gây "giật mình"

Rất nhiều người coi loại nước rẻ tiền này là đồ uống giải khát, giải nhiệt rất tốt trong mùa hè nhưng lời khuyên của chuyên gia có thể khiến bạn nghĩ khác.

Không chỉ được coi là thứ nước giải khát luôn sẵn có và khá rẻ trong mùa hè, nước mía còn được nhiều người ưa chuộng vì gần như nguyên chất, ít bị pha tạp. Thực tế cho thấy, khắp ngõ ngách trên các con phố, nước mía được bày bán nhiều, thậm chí những ngày nắng nóng có nơi bán lên đến cả 1.000 cốc/ngày. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học và dinh dưỡng, không nên coi đây là thứ nước giải khát, đồng thời tuyệt đối không nên lạm dụng nước mía để uống no, uống lấy được trong mùa hè.

TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam thừa nhận,  mía khá sạch so với những cây hay quả khác được bán nhiều trong mùa hè. Còn tác dụng đối với cơ thể, mía nếu dùng đúng cách rất tốt cho sức khỏe. Ông Ngữ cho rằng, trong xã hội hiện đại, dù không khuyến cáo ăn nhiều đường, nhưng rõ ràng đường vẫn có vai trò nhất định với cơ thể và đường cung cấp vào cơ thể từ nhiều nguồn khác nhau.

“Nếu phải lựa chọn đường kính đã qua chế biến và đường trực tiếp từ nước của cây mía, tôi khuyên mọi người nên chọn đường từ cây mía vẫn hơn. Bởi nó vẫn còn nguyên chất, chưa qua chế biến, tinh luyện, sẽ tốt hơn cho sức khỏe vì chí ít ngoài đường tự nhiên nó vẫn có một số vitamin, khoáng chất nhất định”, TS Từ Ngữ tư vấn.

Nước mía thường được cho thêm đá, khi uống sẽ mát nên mọi người hay uống nhiều. (Ảnh minh họa)

Sở dĩ người dân coi nước mía là một loại nước giải khát bởi thường khi tới tay người tiêu dùng, nó đã được để lạnh hoặc pha thêm đá, do vậy uống mát và nhiều người cho rằng như vậy sẽ giúp hạ nhiệt cho cơ thể.

Tuy nhiên, nếu chỉ có uống nước mía không (không pha thêm nước hoặc cho thêm đá) thì không nên coi đó là thức uống giải khát. Lý do là, một cốc nước mía chứa rất nhiều đường, uống vào sẽ khiến cơ thể nóng hơn. Do vậy, những người đi nóng về, uống liền một lúc vài ba cốc nước mía, có thể mát lúc đó (do có đá lạnh) nhưng một lúc sau cơ thể lại nóng rực.

“Một người bình thường chỉ nên uống không quá 330ml nước mía mỗi ngày. Không uống ngay sát trước bữa cơm, vì mía nhiều đường sẽ khiến ăn không ngon miệng hoặc chán ăn thực phẩm khác. Người có bệnh tiểu đường  thì không nên uống nước mía”, TS Từ Ngữ tư vấn.

TS.BS Từ Ngữ cũng khuyên mọi người nên lọc bỏ vỏ rồi nhai mía lấy nước sẽ tốt hơn là uống nước mía trực tiếp. Khi nhai ngoài làm sạch răng, khoang miệng, mía còn giúp kích thích tuyến nước bọt. 

Nếu lựa chọn mọi người nên chọn cách ăn mía trực tiếp sẽ tốt hơn là uống nước mía. 

Dưới góc độ đông y, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, mía có tác dụng đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết cường gân cốt, tả phế nhiệt, lợi yết hầu, hạ đờm hỏa, chi nôn, hòa vị, tiêu phiền nhiệt. Trong nước mía tươi có nhiều khoáng chất như: photpho, kali, canxi, sắt và magiê, vitamin A, vitamin B phức hợp, C và E. 

Tuy nhiên, ông Sáng khuyên mọi người không nên uống nhiều nước mía dù trong mùa đông hay mùa hè vì loại đồ uống này có thể gây tăng cân, thậm chí là tiêu chảy. Đặc biệt, người thừa cân, béo phì, tiểu đường không nên uống nước mía, vì loại nước này cung cấp rất nhiều năng lượng, đường sẽ khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Ông Sáng cho biết, để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, mọi người cần uống thêm nước lọc, không nên uống nước mía hay uống nước hoa quả thay cho nước lọc. Các loại nước hoa quả, nước hương vị có thể giúp “đã cơn khát” lúc đó, kích thích vị giác nhưng nó sẽ gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng lâu dài.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-nuoc-ban-ca-nghin-cocngay-khi-nang-nong-ai-cung-nghi-giai-nhiet-tot-nhung-su-that-lai-gay-giat-minh-a592915.html