Theo báo cáo của Cục Thống kê Kiên Giang, 5 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển. Nhiều chỉ tiêu tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, như chỉ số sản xuất công nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công; thu ngân sách nhà nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; lượng khách du lịch.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm 281.039 ha lúa đông xuân, năng suất đạt 76,84 tạ/ha, tăng 4,39% so với năm trước, sản lượng đạt 2.159.614 tấn. Nhìn chung, vụ đông xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, dịch hại ít xảy ra, giá lúa cũng cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí cho sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao nên lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Vụ hè thu năm nay gieo trồng sớm, tính đến ngày 15/5/2023 toàn tỉnh gieo trồng ước khoảng 187.258 ha, đạt 67,05% kế hoạch và tăng 3,69% so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tháng 5 ước đạt 65.710 tấn, tăng 15,92% so với tháng trước (tăng 9.025 tấn) và giảm 13,44% (giảm 10.201 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 31.808 tấn, giảm 1,39% so với tháng trước và giảm 21,34% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 33.902 tấn, tăng 38,78% so với tháng trước và giảm 4,43% so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng so với cùng kỳ trên 2 nhóm thủy sản là tôm các loại và thủy sản khác, các sản phẩm thu hoạch chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và một số loài nhuyễn thể khác như sò huyết, sò lông, vẹm xanh,...
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 1,52% so tháng trước. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,09% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 8,77%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,08%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đạt mức kế hoạch năm khá cao và tăng so cùng kỳ như: giầy da tăng 21,44%; tôm đông lạnh tăng 14,21%; cá đông lạnh tăng 7,47%,…
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước tính 166,49 tỷ đồng, giảm 6,06% so với tháng trước; trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 134,36 tỷ đồng, giảm 15,30% so tháng trước. Tính chung 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính 871,15 tỷ đồng, đạt 13,96% kế hoạch năm, tăng 35,10% so với cùng kỳ; trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 767,84 tỷ đồng, đạt 17,35% kế hoạch năm, tăng 63,85% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5 ước được 758 tỷ đồng, giảm 34,37% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng thu ngân sách ước tính đạt 5.934,33 tỷ đồng, bằng 48,73% dự toán, tăng 6,46% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 5.885,16 tỷ đồng, đạt 48,65% dự toán, tăng 6,42% và chiếm 99,17% tổng thu. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao, như: thu tiền sử dụng đạt 71,25% dự toán, tăng 223,91%; thu xổ số kiến thiết đạt 50,15% dự toán, tăng 36,64%; thu khác đạt 91,25% dự toán, tăng 105,06% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 5 ước tính hơn 1.268 tỷ đồng, tăng 25,45% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 391,70 tỷ đồng, tăng 48,06% so tháng trước; chi thường xuyên 876,73 tỷ đồng, tăng 17,68% so tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước tính trên 5.775 tỷ đồng, bằng 33,85% dự toán năm, tăng 22,68% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.439,33 tỷ đồng, đạt 32,52% dự toán và tăng 67,37% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 4.333,04 tỷ đồng, đạt 42,25% dự toán và tăng 12,81% so với cùng kỳ.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung các giải pháp về tăng trưởng huy động vốn, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đảm bảo các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, huy động vốn và tín dụng tiếp tục tăng trưởng, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 5/2023, vốn huy động tại địa phương ước đạt 71.100 tỷ đồng, tăng 0,01% so tháng trước, tăng 3,69% so cuối năm 2022; doanh số cho vay trong tháng ước đạt 18.500 tỷ đồng (trong đó, 84% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ tín dụng ước đạt 118.600 tỷ đồng, tăng 1,10% so tháng trước, tăng 3,98% so cuối năm 2022.
Trong tháng, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại – dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 10.763,42 tỷ đồng, tăng 4,02% so tháng trước. Tính chung 5 tháng ước đạt 54.099,50 tỷ đồng, bằng 46,18% kế hoạch năm, tăng 24,10% so cùng kỳ.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 104 triệu USD, tăng 2,76% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước tính 395,50 triệu USD, đạt 38,77% kế hoạch năm và tăng 2,23% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 329,76 triệu USD, đạt 38,34% kế hoạch năm, tăng 1,14% so với cùng kỳ; giá trị hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 65,74 triệu USD, đạt 41,09% kế hoạch năm, tăng 8,07% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.
Ước tính khách du lịch trong tháng 5 đạt 884,14 ngàn lượt khách, tăng 7,17% so với tháng trước, trong đó khách quốc tế 39,04 ngàn lượt khách, giảm 38,84% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng lượt khách du lịch ước đạt 4.001,53 ngàn lượt khách, bằng 48,21% kế hoạch năm, tăng 40,18% so cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế 322,65 ngàn lượt khách, đạt 92,19% kế hoạch, tăng 746,65% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,06% so với tháng trước; trong đó, khu vực thành thị giảm 0,12%, khu vực nông thôn tăng 0,16%. Sau 5 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,90%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, nhóm bưu chính viễn thông bình ổn giá; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,04%; còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quý I, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lớn của tỉnh trong năm 2023 đều đạt mức tăng trưởng cao, một số chỉ tiêu tăng cao hơn bình quân cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang trong quý I, 2023 đạt 6,25%, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và 26/63 cả nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cũng lưu ý các sở, ngành, các địa phương cần quan tâm, rà soát lại các chỉ tiêu còn đạt thấp, kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt là việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu và phục hồi kinh tế; cụ thể hoá Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đảm bảo đạt các chỉ tiêu kịch bản quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm cao, khắc phục ngay những chỉ tiêu đạt thấp của các ngành, các địa phương.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kien-giang-kinh-te-5-thang-dau-nam-2023-tiep-tuc-tang-truong-kha-a592977.html