Thống kê từ Người Đưa Tin cho thấy từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã giảm tới hơn 21%, riêng một tháng vừa qua giảm tới 5% thị giá xuống còn 67.000 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên ngày 29/5). Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 1,6% kể từ đầu năm và tăng 3% trong 1 tháng qua.
Thị giá của VNM thời điểm này vẫn chưa cải thiện là bao khi giảm từ mức 80.750 đồng/cổ phiếu tại thời điểm đầu năm 2022 và tạo đáy 61.300 đồng/cổ phiếu hồi giữa tháng 6/2022 trước khi phục hồi trở lại và hiện có giá 67.000 đồng/cổ phiếu.
Giá trị vốn hóa thị trường của Vinamilk đang là 141.280,99 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp xuống vị trí thứ 6 trong top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường. Ở thời hoàng kim, VNM từng là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Nếu đà giảm vẫn tiếp tục, cùng với sự vươn lên của các cổ phiếu ngân hàng, giá trị vốn hóa của VNM thậm chí có thể bị đẩy xuống vị trí thứ 8 trong tương lai không xa. Hiện vốn hóa của VNM chỉ hơn 3 ngân hàng xếp sau là TCB, BID và CTG chưa tới 12%, mức chênh này trên lý thuyết có thể bị san lấp chỉ trong một phiên giao dịch nếu VNM giảm sâu và các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.
Điều đó cho thấy, vị thế của cổ phiếu VNM trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã khác xưa rất nhiều.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã bán ròng 2.772 tỷ đồng trên HoSE trong tháng 4, đây là mức bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm. Chưa kể, từ 6-14/4 là chuỗi 7 phiên bán ròng liên tục của khối ngoại với giá trị 2.115 tỷ đồng.
Trong đó, VNM là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều thứ hai trên sàn HoSE với giá trị bán ròng lên tới 418 tỷ đồng, tiếp nối chuỗi bán ròng không ngừng nghỉ kể từ đầu năm 2023.
Hiện nay, giá trị thương hiệu Vinamilk đạt 2,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2022, xếp thứ 2 trong top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu và thứ 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới.
Trong năm 2022, Vinamilk là doanh nghiệp duy nhất của ngành sữa được góp mặt trong khu gian hàng Việt Nam - Foods of VietNam tại hội chợ thương mại hàng nông sản, thực phẩm lớn nhất thế giới Gulfood Dubai 2022. VNM cũng đã có lần thứ 6 được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.
Nhìn vào bức trang tài chính, quý I/2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.918 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh từ 320 tỷ đồng trong quý I/2022 lên 419 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, tương đương tăng 30%.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí trong quý của Vinamilk đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, chi phí tài chính tăng gần 20% lên 158 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí lãi vay phát sinh thêm 215% so với quý I/2022.
Ngoài ra, 2.942 tỷ đồng là số tiền chi phí mà Vinamilk dành ra cho việc bán hàng. Khoản chi phí “nặng ký" trên bao gồm hơn 2.202 tỷ đồng chi phí dịch vụ, khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng, chiếm tới 74,8% cơ cấu. Như vậy, mỗi ngày Vinamilk chi tới 24,46 tỷ đồng cho việc quảng cáo sản phẩm.
Trước thuế, Vinamilk đạt lợi nhuận 2.312 tỷ đồng trong quý I/2023. Sau khi trừ các chi phí, Vinamilk báo lãi 1.906 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 là 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ và kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 10.496 tỷ đồng, bằng với với năm 2022. Hoàn thành quý I/2023, Vinamilk đã hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 22% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Công ty cho biết đang chịu nhiều cạnh tranh và thách thức ở ngành hàng Sữa nước và Sữa bột, qua đó tỷ lệ SG&A/doanh thu cả năm 2023 sẽ phải duy trì tương tự như năm ngoái để hỗ trợ bán hàng và giành lại thị phần trong phần còn lại của năm. Tuy vậy, vẫn có một số ngành hàng nhỏ như sữa hạt ghi nhận tăng trưởng khả quan
Chứng khoán BVSC dự phóng, năm 2023, doanh thu thuần của VNM đạt 61.061 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt được 8.985 tỷ, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn tin vào câu chuyện biên lợi nhuận dần hồi phục trong nửa cuối năm 2023 và 2024, đồng thời dự báo lợi nhuận tăng trưởng 10,4% trong 2024. EPS dự phóng lần lượt là 3.824 và 4.219 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E 18,2x và 16,5x cho 2023 – 2024.
Chứng khoán KBSV cũng nhận định, thị trường nội địa của VNM sẽ tiếp tục đi ngang do mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, VNM khó để tăng thêm thị phần; nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn chưa cao; trong ngắn hạn sức mua của người tiêu dùng chưa thể hồi phục ngay khi thu nhập bị ảnh hưởng sau làn sóng cắt giảm nhân sự đợt cuối năm 2022.
Nhóm phân tích đánh giá triển vọng năm 2024 sẽ tích cực hơn bởi tiếp nối đà hồi phục tiêu dùng từ cuối năm 2023; nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa tại Việt Nam tăng lên khi mức tiêu thụ sữa/ bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Cho năm 2024, KBSV kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNM có thể đạt lần lượt 64.439 tỷ đồng và 9.942 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 6,1% so với 2023.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/da-giam-cua-co-phieu-vinamilk-a592982.html