Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 được thực hiện bởi EY.
Đáng chú ý, chênh lệch lớn nhất đến từ khoản lỗ sau thuế ghi nhận tăng từ 1.315 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lên 1.533,9 tỷ đồng ở báo cáo kiểm toán, tương ứng giảm thêm gần 218,5 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp từ trước đến nay.
Giải trình về sự chênh lệch này, VNG cho biết khoản lỗ sau thuế tăng lên là do ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.
Đồng thời, lợi nhuận gộp của VNG ghi nhận giảm 23,4 tỷ đồng về 3.427 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng thêm gần 130 tỷ đồng lên 1.579 tỷ đồng.
Khoản lỗ từ công ty liên kết tăng 58,7 tỷ đồng lên mức lỗ 181,2 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Công ty Cổ phần Zion, công ty con do VNG sở hữu 69,98%. Đây là đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay và được đi vào hoạt động từ năm 2005.
Trước đó, năm 2022 Ban lãnh đạo VNG lên kế hoạch đem về 10.178 tỷ đồng doanh thu và dự báo lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, VNG mới thực hiện được gần 77% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế vượt xa dự báo.
Về tình hình kinh doanh quý I/2023, VNG ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, VNG ghi nhận khoản lỗ gần 27,5 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 7,6 tỷ đồng. Trong đó, VNG ghi nhận khoản lỗ 12 tỷ đồng từ công ty liên kết Funding Asia là một công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore. Thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp đang nắm giữ 4,9% quyền sở hữu của công ty này.
Đồng thời, công ty chịu lỗ hơn 9 tỷ đồng ở Telio. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và được thành lập từ năm 2019. Thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp đang nắm giữ 16,7% quyền sở hữu của công ty này.
Kết quả, “kỳ lân” công nghệ báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng và là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ. Tuy nhiên, con số này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ hơn 130 tỷ đồng và quý IV/2022 ghi nhận lỗ hơn 547 tỷ đồng.
Trước tình hình kinh doanh thua lỗ liên tiếp, VNG đã làm việc cùng MayBank để thực hiện vòng gọi vốn tiếp theo để huy động 100 triệu USD nhằm mở rộng hơn nữa.
Sau khi kết thúc huy động vốn, kế hoạch dài hạn của VNG là niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5, mã VNZ dừng lại ở mức 771.900 đồng. Hiện mã này vẫn đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về việc đưa cổ phiếu của VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5/2023.
Nguyên nhân là do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Theo đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Phía VNG cho biết, lý do chậm công bố BCTC kiểm toán 2022 do doanh nghiệp đang thực hiện song song BCTC theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực quốc tế (IFRS).
Nguyên nhân do VNG hiện hoạt động không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và 7 công ty liên kết. Trong đó, 18 công ty con và 1 quỹ xã hội – tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam và 14 công ty con ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Trước những lý do trên, VNG cần nhiều khá nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của BCTC thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sau-kiem-toan-ky-lan-vng-nang-muc-lo-len-hon-1500-ty-dong-a592999.html