Người Lao Động dẫn nguồn Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, giá trị 2,02 tỷ USD - tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn và 647,5 triệu USD - tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, nơi có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 26,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).
Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo, bình quân 500.000 – 600.000 tấn/tháng nên lượng gạo xuất khẩu năm nay gây bất ngờ cho không ít người.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, một Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho hay, vụ Đông Xuân là vụ thu hoạch chính của Việt Nam với khoảng 4 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.
"Mọi năm, gạo sẽ để lưu kho và xuất khẩu dần nhưng năm nay, các đối tác đều yêu cầu giao hàng ngay trong tháng 4 và 5 nên sản lượng xuất khẩu tập trung trong thời gian này. Các doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu, giờ chờ thu mua gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp", chủ doanh nghiệp này thông tin.
Theo thương nhân xuất khẩu gạo này, dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, giá tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành không có lãi, thậm chí lỗ. Đó là những doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với dự báo giá gạo không cao như hiện nay. Đến thời điểm giao hàng, họ buộc phải mua gạo vào với giá cao, có những đơn hàng lỗ đến 40 USD/tấn.
Trước tình hình trên, các chuyên gia đều khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ký hợp đồng chốt giá sớm, nên có sẵn hàng mới chào bán để tránh rủi ro khi giá gạo tăng "nóng" như hiện nay.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới
Vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều tháng, giá gạo 5% tấm xuất khẩu luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan và Ấn Độ.
Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao, cùng đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp gạo cũng được mở rộng nhờ chi phí đầu vào hạ nhiệt
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Toản, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), báo cáo tình hình gạo Việt Nam xuất khẩu quý 1 với nhiều con số tươi sáng.
Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,8 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm trước.
Châu Á vẫn là thị trường "anh cả", tiếp đến là châu Phi, châu Âu và các thị trường truyền thống vẫn tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Gạo trắng dẫn đầu với 53,7% tổng lượng xuất khẩu, rồi đến gạo thơm, gạo nếp, gạo tấm…
Ông Toản cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới biến động, phức tạp nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu quý 1 năm nay thắng lợi lớn.
"Giá gạo xuất khẩu của ta tiếp tục giữ đà tăng trưởng, nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Ấn Độ. Điều đó cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam", ông Toản nhấn mạnh.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam hướng đến việc phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu bền vững.
Thông tin trên Nhân Dân, để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hoàn thiện, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế điều hành, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, triển khai tuyên truyền, phổ biến thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu gạo sang các thị trường; nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân để am hiểu đầy đủ, rõ ràng đặc biệt các quy định của Hiệp định thương mại tự do về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc...
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham vấn ý kiến, hoàn thiện nội dung và phương thức tổ chức Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nhanh chóng triển khai thực hiện. Đề án đang được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội bứt phá xuất khẩu gạo ở phân khúc trên 1.000 USD/tấn, tiếp tục giúp gạo Việt Nam đạt thành tích cao hơn về giá.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-khau-gao-viet-nam-nhung-con-so-va-bai-toan-ben-vung-a593085.html