Cái khó của thị trường BĐS là pháp lý
Tham gia giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải thích rõ về việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, năm 2022 thì tăng trưởng tín dụng là 14,16% còn 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3%. Thống đốc cho rằng không thể nói tăng trưởng tín dụng thấp là do chính sách bởi thanh khoản tiền được duy trì dồi dào, thậm chí dư thừa.
“Không có lý do gì để các ngân hàng huy động tiền gửi trả lãi cho người gửi tiền mà đến lúc doanh nghiệp cần vay vốn lại không cho vay”, bà Hồng nói.
Thống đốc cũng chỉ ra nguyên nhân còn đến từ phía doanh nghiệp, khi doanh nghiệp không có đơn hàng.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại. Tuy nhiên việc này, theo bà Hồng cũng cần phải có thời gian, do đó doanh nghiệp cũng như các cơ quan cũng cần hướng đến để khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, không đủ điều kiện vay vốn thì cũng không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, Thống đốc cho biết cần có các giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn, có thể thông qua các chính sách như là bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với bất động sản, Thống đốc nói lĩnh vực này thường tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế.
"Những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý nên giải pháp bây giờ phải tập trung và tháo gỡ vướng mắc pháp lý, các doanh nghiệp cũng cần rà soát để điều chỉnh giá bất động sản để kích thích tín dụng doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà", Thống đốc nhận định.
Những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh thanh khoản dồi dào giảm lãi suất điều hành, ban hành thông tư để cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, chỉ đạo tổ chức tín dụng chỉ đạo để giảm thủ tục hành chính cũng như cho vay căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ.
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc khó xử lý
Về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành dành nhiều thời gian để triển khai gói này.
“Tuy nhiên kết quả vẫn thấp và đúng như các đại biểu đã nêu đó là tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng thì khó có thể đánh giá như thế nào là có khả năng phục hồi”, bà nói.
Trước tình hình đó Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT.
“Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai’, bà Hồng nói thêm.
Còn về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục dự án.
Về gói này, nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cao nhưng nhu cầu vay lại là vấn đề, bởi quyết định vay để mua một căn hộ là do người dân. Việc này, theo Thống đốc, sẽ được triển khai trong thời gian tới, đặc biệt trong luật nhà ở hiện nay trình Quốc hội kỳ này đã có điểm cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân.
“Đây là điểm tích cực để gói tín dụng có thể tăng dư nợ giải ngân”, bà Hồng thông tin.
Về việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, đây là việc tồn đọng, khó xử lý. Thống đốc mong đại biểu quốc hội thấu hiểu, chia sẻ bởi tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện khó khăn càng khó hơn.
“Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét để phê duyệt chủ trương”, Thống đốc nêu rõ.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lai-suat-giam-doanh-nghiep-van-kho-vay-von-thong-doc-noi-gi-a593122.html