Hai mẹ con nhập viện cấp cứu sau khi ăn thịt, trứng cóc
Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị này đã cấp cứu một người phụ nữ và con gái 17 tuổi bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc trong ngày 2/6.
Trước đó, hai mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Họ đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng bên trong, chỉ lấy phần thân. Tuy nhiên, thấy cóc đang có trứng, họ lọc lấy bọc trứng để chế biến.
Sau khi ăn thịt và trứng cóc, cả hai xuất hiện đau đầu, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Các bệnh nhân được đưa đến trung tâm y tế huyện sơ cứu ban đầu và sau đó nhanh chóng chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Tại đây, các bệnh nhân đều trong tình trạng đau đầu, tê bì chân tay, nôn và đi ngoài nhiều lần. Riêng con gái 17 tuổi còn có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, rối loạn nhịp tim.
Các bệnh nhân nhanh chóng được điều trị và chăm sóc tích cực bằng biện pháp đào thải chất độc, truyền dịch, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải. Sau 2 ngày điều trị, hiện bệnh nhân qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, cóc chứa chất độc ở trên toàn bộ da, tuyến nước bọt - mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: Trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành.
Nọc độc của cóc có thể gây các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hoá, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là tim mạch. Bác sĩ Tình khuyến cáo, mọi người không nên thịt cóc để chế biến làm thức ăn vì nọc độc của chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bị ung thư phổi nhưng tưởng là bệnh hô hấp thông thường
Theo VietNamNet, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật bằng robot cho nam bệnh nhân 59 tuổi bị ung thư phổi. Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng ho khan kéo dài. Tuy nhiên, ông chỉ nghĩ là bệnh hô hấp thông thường nên không đi kiểm tra. Các triệu chứng không dứt trong nhiều tháng, bệnh nhân mới tới Bệnh viện K để thăm khám.
Bác sĩ chẩn đoán ban đầu là ung thư phổi, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân có khối u thùy trên phổi phải kích thước khoảng 2,5cm. Ekip đã hội chẩn đánh giá bệnh nhân không có di căn, chức năng phổi và tim mạch bình thường. Người bệnh được chẩn đoán ung thư thùy trên phổi phải, giai đoạn I.
TS Nguyễn Khắc Kiểm - Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực chia sẻ, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14,4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này. Điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức, các phương pháp gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị miễn dịch.
PGS.TS.BS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp.
Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực, ho ra máu.
Đặc biệt với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích, ngay khi có những biểu hiện ban đầu cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Buồng trứng người phụ nữ chứa đầy mủ do nhiễm trùng
VnExpress đưa tin, cách đây 2 ngày, chị T.N (33 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) thấy đau bụng dưới từng cơn, cơn đau tăng dần. Chịu đựng đến ngày thứ 2, người bệnh sốt 38 độ C, ớn lạnh, bụng đau quặn không thể đi, đứng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân có khối áp xe phần phụ bên phải rất lớn, dịch mủ tràn trong ổ bụng gây dính nặng toàn bộ tử cung, buồng trứng, vòi trứng. Giả mạc bám đầy trên bề mặt thành bụng, ruột, tử cung, phần phụ phải.
Ekip hút ra 100ml mủ, gỡ dính quai ruột, bóc 2 khối u lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng phải kích thước 8cm, bảo toàn buồng trứng phải, cắt bỏ toàn bộ vòi trứng phải bị ứ mủ và tổn thương nặng. Sau đó, bác sĩ đốt cầm máu và rửa ổ bụng, lấy sạch các mảng giả mạc đầy mủ, đặt dẫn lưu ổ bụng để theo dõi đáp ứng nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Ca phẫu thuật nội soi khó khăn bởi bệnh nhân có tiền sử 2 lần phẫu thuật ổ bụng, trong đó có một lần phẫu thuật mở bụng hở đường dọc giữa để cắt u buồng trứng trái và tai vòi trái vì ứ mủ.
Các lần phẫu thuật trước đó có biến chứng dính ruột vào thành bụng. Tử cung, buồng trứng, vòi trứng cũng gặp tình trạng dính nặng. "Gỡ dính, bóc tách, hút sạch dịch mủ trong ổ bụng khiến ca mổ kéo dài gần 3 giờ. Ekip nội soi, giúp người bệnh nhanh hồi phục", bác sĩ Tâm nói.
Sau ca mổ, bệnh nhân được điều trị thêm kháng sinh, đáp ứng tốt. Vì phẫu thuật hoàn toàn bằng nội soi nên người bệnh đỡ đau, vết mổ thẩm mỹ, hồi phục nhanh.
Đinh Kim (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-ngay-56-hai-me-con-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-an-thit-trung-coc-a593313.html