Hà Nội chốt thời điểm kết thúc hệ song bằng tú tài bậc THPT
Theo Vietnamnet, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, UBND Tp.Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc kéo dài đề án Thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-Level) từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2026-2027.
Hiện tại, đề án đào tạo hệ song bằng tú tài bậc THPT có tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
UBND Tp.Hà Nội cũng cho biết giao trách nhiệm Sở GD&ĐT xây dựng đề án tiếp tục thực hiện đề án này và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định.
Đồng thời, xây dựng mức học phí đối với học sinh hệ song bằng được tuyển sinh theo đề án thí điểm, báo cáo UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền.
UBND Tp.Hà Nội cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm, tham mưu đề xuất mô hình phù hợp để phát triển giáo dục Thủ đô tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trước đó, đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A Level) được triển khai tại Trường THPT Chu Văn An từ năm học 2017-2018.
Đến năm học 2018-2019, Hà Nội có thêm 7 trường triển khai chương trình đào tạo chương trình song bằng tú tài, gồm Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (ở cả hai khối THCS và THPT) và 6 trường THCS, gồm: Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Cầu Giấy, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Ngày 9/6/2022, UBND Tp.Hà Nội ban hành quyết định kéo dài thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An đến hết năm học 2022-2023.
Từ năm học 2021-2022, Hà Nội không tổ chức tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng.
Hiện tại, đề án đào tạo song bằng tại cấp THCS còn 2 khóa. Ở cấp THPT, hai trường THPT (Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An) sẽ kết thúc thí điểm vào năm học 2023-2024.
Tại buổi tổng kết giai đoạn thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các học sinh tham gia Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp THPT được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, năng lực tiếng Anh, tư duy và kỹ năng.
Theo đó, 100% số học sinh đã và đang theo học đều có kết quả học lực giỏi và hạnh kiểm tốt. Dù vậy, công tác triển khai ở các trường còn gặp một số khó khăn như: thiếu giáo viên, khó tuyển chọn giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và yêu cầu chuyên môn, cơ sở vật chất của các trường nhìn chung chưa đạt chuẩn theo quy định…
Một khó khăn khác nữa là năm học 2021-2022, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 2 trường THPT là Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An không mở rộng, trong khi nguyện vọng được tiếp tục theo học chương trình của học sinh THCS khá nhiều.
Kêu gọi cả nước chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương
Theo Người Lao Động , sáng 4/6, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Ngày Đại dương thế giới (8/6).
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh chỉ rõ Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Người đứng đầu ngành TN-MT kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Theo báo Bắc Giang, khoảng 6h30 sáng 4/6, trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đoạn qua xã Song Khê (Tp.Bắc Giang) xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến 4 xe ô tô.
Theo các lái xe, vào khoảng thời gian trên, khu vực xã Song Khê có mưa to, chiếc xe đầu kéo BKS 62R – 006.45 đang di chuyển hướng Hà Nội – Lạng Sơn khi đi đến đoạn đường này bị bó phanh nên buộc phải dừng lại.
Lúc này, chiếc xe ben BKS 12C – 092.17 di chuyển cùng chiều đi tới phanh gấp khiến đầu xe quay ngược lại và va chạm với xe đầu kéo.
Hai chiếc xe đang dừng lại xử lý thì xe ô tô loại 7 chỗ BKS 24A – 186.70 và xe khách BKS 37B – 019.74 đi tới nhưng do đường trơn, không phanh kịp nên đâm vào nhau khiến 4 xe hư hỏng.
Vụ tai nạn không có thương vong về người nhưng gây ùn tắc cục bộ kéo dài.
Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang đã cử lực lượng, phương tiện đến giải quyết, phân luồng giao thông và điều tra, làm rõ vụ việc.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ban-tin-56-ha-noi-chot-thoi-diem-ket-thuc-he-song-bang-tu-tai-bac-thpt-a593318.html