Chung cư sắp sập mà chưa di dời được dân, hậu quả ai chịu trách nhiệm?

Đây là một trong những câu hỏi được đặt ra trong báo cáo thẩm tra xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội tiến hành thảo luận trong sáng 5/6.

Gỡ điểm nghẽn về cải tạo chung cư cũ

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp sáng 5/6, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là một trong những vướng mắc lớn cần khắc phục khi sửa đổi luật Nhà ở.

Trong các đề xuất được nêu liên quan về quyền sở hữu nhà chung cư, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật trình lần này đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng các nội dung bổ sung trong dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ nêu ra. Đơn cử như thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, nên cần tháo gỡ các điểm nghẽn.

Cụ thể, trong trường hợp không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ sẽ thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, nên khó khăn trong triển khai.

"Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm? Đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể, giải pháp quyết liệt hơn, có biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này", cơ quan thẩm tra nêu.

Bất động sản - Chung cư sắp sập mà chưa di dời được dân, hậu quả ai chịu trách nhiệm?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Quochoi.vn).

Trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư khi người dân tự góp kinh phí để xây chung cư cũ, Ủy ban Pháp luật đồng tình với đề xuất của Chính phủ là chủ sở hữu nhà chung cư được lựa chọn nhà đầu tư; trường hợp không lựa chọn được thì cơ quan cấp tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu.

Trong trường hợp phương án bồi thường, tái định cư kéo dài dẫn tới không lựa chọn được nhà đầu tư, dự luật quy định doanh nghiệp tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án lập phương án bồi thường tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.

Đồng tình với quy định này, song cơ quan thẩm tra lo ngại việc này sẽ vướng mắc do khó có thể đạt đồng thuận 100%. Vì vậy, cần quy định tỉ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư; trường hợp sau một thời hạn nhất định không thống nhất được phương án sẽ do UBND tỉnh quyết định.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị dự luật cần làm rõ với trường hợp UBND cấp tỉnh đầu tư vốn để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư thì quyền sở hữu các nhà chung cư sau khi xây dựng lại được xác định như thế nào?

Theo đó, các chủ sở hữu nhà chung cư cần có trách nhiệm, chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước. Đặc biệt là nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân mà đã hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ thì trách nhiệm chính trong việc này phải là các chủ sở hữu.

Thống nhất chính sách nhà ở cho người nước ngoài

Dự thảo nêu rõ, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất được thừa kế, được tặng cho, mượn, thuê hoặc nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật đất đai; mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân.

Bất động sản - Chung cư sắp sập mà chưa di dời được dân, hậu quả ai chịu trách nhiệm? (Hình 2).

Cơ quan thẩm tra yêu cầu làm rõ quyền của người nước ngoài tại Việt Nam sở hữu nhà ở không gắn quyền sử dụng đất (Ảnh: Hữu Thắng).

Với nội dung này, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 Dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.

Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII)  cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tại Dự thảo Luật về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chung-cu-sap-sap-ma-chua-di-doi-duoc-dan-hau-qua-ai-chiu-trach-nhiem-a593334.html