Cách ngừa béo phì cho trẻ vào dịp nghỉ hè

Nghỉ hè là thời điểm trẻ dễ tăng cân mất kiểm soát, bởi vì trẻ thường lười vận động, ăn uống thiếu khoa học. Vì vậy ngay khi trẻ bắt đầu nghỉ hè, bố mẹ cần xây dựng cho con thói quen sinh hoạt, ăn uống điều độ trong suốt thời gian nghỉ để hạn chế tình trạng bị thừa cân, béo phì.

Nghỉ hè là thời điểm trẻ dễ tăng cân mất kiểm soát, bởi vì trẻ thường lười vận động, ăn uống thiếu khoa học. Vì vậy ngay khi trẻ bắt đầu nghỉ hè, bố mẹ cần xây dựng cho con thói quen sinh hoạt, ăn uống điều độ trong suốt thời gian nghỉ để hạn chế tình trạng bị thừa cân, béo phì.

Nghỉ hè là dịp trẻ vui chơi, ăn uống thoải mái. Nhiều phụ huynh thậm chí chủ quan "thả cửa" cho con ăn. Trẻ ở độ tuổi học đường dễ tăng cân, đặc biệt với những trẻ thích ăn các món giàu đường, béo, đạm... Thực tế, nhiều trẻ chỉ sau vài ba tháng nghỉ hè tăng hơn 10 kg, trở nên thừa cân béo phì.

Chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì . Ít hoạt động thể lực, giảm hoạt động (thể dục thể thao, đi bộ, bơi lội, đi xe đạp…); tăng hoạt động tĩnh (xem vô tuyến, chơi điện tử…) làm giảm tiêu hao năng lượng, tăng tích lũy mỡ; Rối loạn hoạt động của các hormon.

cach ngua beo phi cho tre vao dip nghi he

Nguyên nhân chủ yếu gây béo phì là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Ảnh minh họa

Hormon tăng trưởng có liên quan đến hoạt động tiêu mỡ, quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ, do vậy nếu mất ngủ sẽ làm giảm tiêu mỡ đồng thời rối loạn quá trình sản xuất các hormon điều hòa ăn uống, giảm sản xuất leptin giúp não có cảm giác no nhưng tăng sản xuất ghrelin kích thích thèm ăn nên trẻ ăn nhiều.

Ngoài ra, những trẻ có bố mẹ bị thừa cân béo phì , cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ thừa cân béo phì ; trẻ thừa cân béo phì thường háu ăn, ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, thức ăn nhanh (fast food) làm tăng đường huyết và insulin máu tạo nên hạ đường máu phản ứng tăng mức độ thèm ăn. Thói quen ăn nhiều vào buổi tối, ăn khi xem tivi là đặc trưng của trẻ thừa cân, béo phì.

Ở mỗi giai đoạn trẻ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát cân nặng, duy trì đà tăng trưởng toàn diện. Nếu không kiểm soát cân nặng, trẻ béo phì sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Vậy nên bố mẹ cần:

Không "thả cửa" thái quá, tiếp tục duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau củ quả, các loại ngũ cốc tốt (như yến mạch, khoai tây, khoai lang...). Bé uống đủ lượng sữa được khuyến nghị theo độ tuổi mỗi ngày, sử dụng sữa không đường, sữa tách béo cho trẻ thừa cân, đồng thời bổ sung cho trẻ nguồn protein tốt từ thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, các loại đậu...

Trong các trường hợp trẻ thừa cân có nhu cầu ăn nhiều, bố mẹ nên chú ý lựa chọn thức ăn phù hợp cho con. Khi nấu nướng, cần hạn chế làm đồ béo, rán, mỡ. Gia đình nên ưu tiên nhiều món luộc, ăn nhiều đậu, rau xanh, chú ý hoa quả tráng miệng, nước quả tươi bổ sung vitamin.

Việc chia nhỏ bữa ăn, chỉ cho bé ăn lưng lửng, vừa đủ, đói thì ăn nhẹ bữa phụ sẽ giúp hạn chế sự thèm ăn, tăng cân. Khi lấy cơm cho bé, bố mẹ cũng nên chủ động lấy ít cơm, nhiều rau. Với trẻ lớn, cần giải thích để trẻ hiểu tác hại của việc ăn nhiều, ăn "thả cửa" sẽ gây hại.

cach ngua beo phi cho tre vao dip nghi he 2

Ba mẹ cần lưu ý hạn chế cho trẻ tiêu thụ đường và thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, tránh xa thức ăn nhanh, đồ hộp, nước ngọt có ga. Ảnh minh họa 

Phụ huynh không nên chiều trẻ ăn theo sở thích thái quá, trẻ nhỏ thường thích các loại đồ ăn nhanh hơn là trái cây, rau xanh. Bên cạnh đó, người lớn không để trẻ quá đói khiến bé ăn nhiều hơn vào bữa ăn sau, trẻ ăn nhiều bữa với một lượng vừa phải để dễ hấp thu các chất dinh dưỡng.

Nếu ba mẹ đi làm hàng ngày, sợ trẻ đói thì có thể mua thêm sữa chua ít đường bỏ sẵn vào tủ lạnh. Phụ huynh có thể luộc khoai lang để sẵn trên bàn, phòng khi trẻ đói. Cha mẹ mua trái cây rửa sạch rồi để vào tủ lạnh để trẻ tự lấy ăn hàng ngày. Đồng thời, ba mẹ vắt sẵn nước trái cây (không hoặc ít đường) cho vào trong tủ lạnh hoặc nước lọc đủ cho bé uống 1,5-2 lít mỗi ngày.

Gia đình khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày. Dịp hè, trẻ vẫn cần hoạt động thể chất 30-60 phút mỗi ngày ít nhất 3 lần mỗi tuần, với các môn thể thao tốt cho sự phát triển thể chất như bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông... Tập luyện đều đặn sẽ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa ở trẻ béo phì. Đồng thời, giảm thiểu tối đa thời gian thụ động của trẻ (không quá 1 giờ mỗi ngày), hạn chế cho trẻ xem ti vi và các thiết bị điện tử, chơi game...

cach ngua beo phi cho tre vao dip nghi he 4

Nếu bé thừa cân, béo phì và khó giảm cân, tốt hơn hết phụ huynh nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn, điều trị. Ảnh minh họa

Trong kỳ nghỉ hè, ba mẹ cũng nên cho các bé tham gia các lớp học năng khiếu, kỹ năng sống như: tham gia câu lạc bộ bóng đá, bơi lội, nhảy hiện đại, yoga, thể dục nhịp điệu... Đồng thời, người lớn khuyến khích, giao trẻ lau dọn nhà cửa, tự giặt giày dép, quần áo của mình, ba mẹ cùng trẻ nấu cơm... để bé năng động, hoạt bát, sống có ích.

Dinh dưỡng kết hợp với vận động khoa học có tác động trực tiếp đến cân nặng của trẻ. Nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, thừa chất béo, thiếu chất xơ sẽ gây ra thừa cân, béo phì. Bé ít vận động sẽ khiến sự trao đổi chất trong cơ thể kém, gây tích tụ mỡ... Nếu bé thừa cân, béo phì và khó giảm cân, tốt hơn hết phụ huynh nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn, điều trị cá thể hóa nhằm mang lại hiệu quả cao, an toàn.

Thùy Dung (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cach-ngua-beo-phi-cho-tre-vao-dip-nghi-he-a593467.html