Đậu bắp có tên mướp tây, bắp chà… được trồng nhiều ở miền Nam. Đậu bắp thuộc họ bông Malvaceace. Quả đậu bắp non làm rau ăn, được chế biến đa dạng như xào, luộc, hấp chấm mắm, nấu canh chua với cá, lươn, ăn ngon làm dậy mùi thịt cá. Các bộ phận khác của cây dùng làm thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Theo dược tính hiện đại, quả đậu bắp có chứa nhiều pectin, chất nhầy, protein, chất béo, chất xơ, Ca, P, Fe, Mg, K, Na và các loại vitamin đều là dưỡng chất có lợi cho nhiều lứa tuổi, sức khỏe. Đậu bắp chứa nhiều chất xơ thực vật là chất rất có lợi cho những người mập mỡ máu cao, táo bón, viêm ruột kết, đậu bắp vị thuốc quý cho người mập phì thừa chất.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một chén đậu bắp sống nặng 100g chứa: 33 calo; 1,9g protein; 0,2g chất béo; 3,2g chất xơ; 31,3mg vitamin K; 0,2mg thiamin; 0,215mg vitamin B6; 60mcg folate; 23 mg vitamin C; 36 mcg vitamin A. Đậu bắp cũng chứa một lượng nhỏ đồng, sắt, niacin và phốt pho.
Ngoài ra, đậu bắp còn có những công dụng tuyệt vời sau:
Giúp xương chắc khỏe: Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, loại thực phẩm này chứa hàm lượng lớn vitamin K và folate, là những hoạt chất giúp tăng cường sức khỏe cho hệ xương khớp nhờ khả năng tăng mật độ xương, ngăn ngừa hiện tượng loãng xương ở người già.
Chữa ho và viêm họng: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ép đậu bắp được xem là vị thuốc bình dân giúp trị đau họng và ho. Loại nước ép này có tính kháng khuẩn và khử trùng rất tốt nên giúp cải thiện các triệu chứng ho, đau họng.
Loại bỏ lượng cholesterol xấu: Bản chất của đậu bắp là loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, nên có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể một cách hữu hiệu. Ngoài ra, sử dụng đậu bắp thường xuyên cũng giúp bảo vệ hệ tim mạch khỏi những triệu chứng hay mắc phải về tim mạch.
Giảm triệu chứng hen suyễn: Trong đậu bắp có chứa hàm lượng vitamin C và các chất chống oxy hóa cao. Loại vitamin này có liên quan đến khả năng giảm bớt các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn. Do đó, khi dùng đậu bắp thì bạn sẽ đỡ khó chịu hơn với các triệu chứng hen, đồng thời giảm khả năng bị hen suyễn.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Chất xơ có trong đậu bắp có thể giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu, cũng như giúp giảm táo bón. Đậu bắp hoạt động như một thuốc nhuận tràng tự nhiên, hàm lượng chất xơ trong đậu bắp liên kết với các độc tố và làm giảm nhu động ruột.
Tuy nhiên, đối với những người bị hội chứng ruột kích thích hoặc gặp vấn đề về đường ruột thì không nên ăn quá nhiều đậu bắp vì nó có hàm lượng fructan cao, dễ gây tiêu chảy.
Làm đẹp da: Đậu bắp cũng là nguyên liệu được nhiều chị em phụ nữ yêu thích lựa chọn để cải thiện sức khỏe của làn da. Những chất chống oxy hóa trong đậu bắp giúp thanh lọc máu, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá và các bệnh ngoài da, mang đến một làn da chắc khỏe và hồng hào.
Ngừa bệnh thiếu máu: Trong quả đậu bắp rất giàu vitamin K, vitamin B, sắt, kẽm, kali, mangan… Đây đều là những chất quan trọng giúp tạo ra nhiều tế bào hồng cầu trong cơ thể. Bởi vậy, nếu muốn ngăn ngừa và điều trị thiếu máu, hãy tích cực ăn hoặc uống nước ép đậu bắp hàng ngày.
Lam Anh (Tổng hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-dung-tuyet-voi-cua-qua-dau-bap-it-nguoi-biet-a594043.html