Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam
Báo Đầu Tư dẫn nguồn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5/2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 35,5% so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng đạt 20,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 5/2023, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 710 triệu USD, tăng 37,8% so với tháng trước, tính chung 5 tháng đạt 4,7 tỷ USD, giảm 15,3%.
Tiếp đến là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD, tăng 69,3% so với tháng trước đó; 5 tháng đạt 4,6 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục trong 5 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là rau quả tăng 78%, đạt gần 1,3 tỷ USD; gạo tăng 79%, đạt 365 triệu USD, hạt điều tăng 49,6%, gần 200 triệu USD; xăng dầu tăng 113,5%; chè tăng 58,7%.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại (đầu năm 2023) mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng. Tuy nhiên, thực tế sau khi mở cửa lại, kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi nhanh, đối diện với nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm tốc do nhu cầu toàn cầu suy giảm; lĩnh vực bất động sản là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó khăn; tình trạng thất nghiệp đã tác động trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Trung Quốc....
Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hoá... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Do đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ.
Dự báo, xuất khẩu của một số ngành hàng sẽ tiếp tục phục hồi trong các tháng tới, đặc biệt là quý cuối cùng của năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường tỷ dân tăng cao.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 57,7 tỷ USD sang Trung Quốc, tăng 3,2% so với năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc chiếm tỉ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm, nước này giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan… nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, nâng thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc lên mức 19,2% so với 6,7% của cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 4, Công ty TNHH Dương Vũ, công ty TNHH Tân Thạnh An, công ty TNHH Việt Hưng và công ty cổ phần Tân Đồng Tiến là 4 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lớn nhất.
Theo Công Thương, lý giải nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, Trung Quốc là thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ rất cao. Trung bình mỗi năm, thị trường này cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo, trong đó chủ yếu là gạo thơm và gạo nếp. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh.
Cùng với đó, xu hướng sử dụng gạo để thay thế các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do lợi thế về giá đang tăng lên. Do đó, Trung Quốc sẽ cần những nguồn cung thay thế mới cho các dòng gạo phẩm cấp thấp này trong năm 2023 do các nguồn cung chính là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và Pakistan đang sụt giảm sản lượng.
Ngoài ra, việc Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. Đặc biệt, Trung Quốc vừa công bố cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chính thức là cửa khẩu đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc với lượng tối đa 200 nghìn tấn/năm. Như vậy, cùng với cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Việt Nam có 2 cửa khẩu đường bộ được phép nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây, Trung Quốc.
Thông tin trên VTV, Trung Quốc cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng. Nguyên nhân do hạn hán kéo dài khiến sản lượng niên vụ 2021 - 2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022 - 2023.
Trong báo cáo mới đây, Fitch Solutions cho biết, thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm 2023. Fitch Solutions là đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings. Theo đó, báo cáo dự báo niên vụ 2022 - 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn gạo, mức thâm hụt lớn nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/trung-quoc-dang-tang-cuong-mua-gao-viet-nam-a594450.html