Gần 10 năm “lăn lộn” với nghề, từng tác nghiệp dưới nhiều địa hình phức tạp, đầy nguy hiểm nhưng với nhà báo, phóng viên ai cũng mong muốn một lần được đặt chân đến Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và khó khăn nhất định. Đây là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong đời cầm bút để mỗi nhà báo bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm với nghề, với xã hội.
Trong không khí hân hoan của đất nước hướng tới kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), tôn vinh những đóng góp của người làm báo trong công cuộc tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân,…tôi (PV) có dịp ngồi trò chuyện với một người anh gần 10 năm công tác trong nghề để nghe anh kể về kỷ niệm “lần đầu được tác nghiệp trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam” – Nhà báo Âu Dương Hội (tên thường gọi “Âu Dương”), hiện đang công tác tại Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Theo chia sẻ, nhận nhiệm vụ từ ban lãnh đạo Truyền hình Quốc hội Việt Nam, nhà báo Âu Dương Hội cùng đồng nghiệp và ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến với quần đảo Trường Sa trong đoàn Công tác số 7, thời gian từ ngày 21-28/4/2023.
Khi nhận được thông tin trước ngày khởi hành phải tìm hiểu rất kỹ về điều kiện sinh hoạt trên tàu, các đảo từ những người có kinh nghiệm nhiều lần đi, tìm hiểu về hải trình sẽ đi, trang thiết bị phục vụ quá trình tác nghiệp, kể cả các thiết bị quay dưới nước để đảm bảo có được những hình ảnh đẹp, sống động nhất về cuộc sống sinh hoạt của chiến sĩ và người dân nơi đảo xa. Ngoài ra, nhà báo còn chuẩn bị thêm phần quả nhỏ là vật dụng thiết yếu, thẻ điện thoại để tặng cho quân, dân trên các điểm đảo đặt chân đến.
Theo lịch trình, 6h sáng ngày 21/4/2023, nhà báo Âu Dương nhận thẻ cùng đoàn công tác trên tàu Kiểm ngư 390, xuất phát từ cảng Tiên Sa, Tp. Đà Nẵng bắt đầu chuyến đi 7 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Vượt ngàn hải lý đến với Trường Sa, mỗi ngày nhà báo cùng các phóng viên trong đoàn thức dậy lúc 5h sáng, chuẩn bị thiết bị tác nghiệp, cố gắng là người lên đảo sớm nhất và rời đảo sau cùng để ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân và dân nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
Sau mỗi chuyến lên đảo, lúc về tàu, trong khi các đại biểu có thể nghỉ ngơi, giao lưu thì “cánh nhà báo” lại tiếp tục công việc 21h hàng ngày đó là thực hiện bản tin phát thanh nội bộ trên tàu với
những dữ liệu cập nhật về hải trình, tình cảm của thành viên đoàn công tác với chiến sĩ, với biển đảo quê hương và với nhau để mối quan hệ thêm gắn bó.
Đêm đến, nhiều nhà báo tiếp tục trích xuất dữ liệu, chuẩn bị cho kế hoạch làm việc ngày tiếp theo. Trong điều kiện sinh hoạt, tác nghiệp trên tàu với không gian chật hẹp, các nhà báo trong đoàn luôn biết cách thích nghi với hoàn cảnh để có thể hoàn thiện những bài viết, phóng sự,… Từ đó phác họa hình ảnh, cuộc sống thường nhật của những người chiến sĩ hải quân, quần chúng nhân dân nơi đảo xa đang gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đằng sau mỗi tác phẩm viết về biển đảo Trường Sa là hồi ức quý báu, những trải nghiệm tuyệt vời khó quên trong đời người cầm bút. Mỗi phóng viên quan tâm đặt câu hỏi ở từng lĩnh vực khác nhau, dù nơi đảo xa gian khổ nhưng gương mặt các chiến sĩ vẫn luôn rạng ngời, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Ở họ thể hiện niềm tin, bản lĩnh của người lính hải quân và cả sự kiên cường, vững vàng trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng.
Hơn 7 ngày trong chuyến hành trình, nhà báo Âu Dương được tận mắt chứng kiến cuộc sống, cảm nhận tình quân dân nơi đảo xa. Các chiến sĩ tăng gia sản xuất thêm các loại rau để bổ sung thực phẩm cho bữa ăn thêm phong phú. Để trồng được rau tại đây không phải là điều dễ dàng khi xung quanh là biển cả, chiến sĩ phải quây tôn, rào hệ thống kiên cố mới có thể tăng gia sản xuất. Cần tiếp tục tạo điều kiện để đội ngũ người làm báo ở khắp tỉnh, thành phố trong cả nước được đến với Trường Sa, để những thông tin về nơi đây được truyền tải kịp thời, chân thực, đầy đủ đến với nhân dân trong cả nước.
Qua chuyến đi này, nhà báo luôn cảm thấy tự hào, vinh dự khi bản thân được tin tưởng giao nhiệm vụ tác nghiệp tại nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc. Đây là trải nghiệm đáng nhớ trong đời cầm bút để mỗi nhà báo bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm với nghề, với xã hội, nhân dân, tình cảm thiêng liêng về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trọng Nghĩa
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gan-lam-truong-sa-oi-a594465.html