Không xuất thân từ một ngôi trường đào tạo chuyên nghiệp về báo chí, chúng tôi thường tự gọi mình là những nhà báo tay ngang. Với chúng tôi, nghề báo là một nghề khó trong những nghề khó.
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, báo chí với đám trẻ lam lũ vùng quê như chúng tôi như một của hiếm. Internet chưa phổ cập, những gì chúng tôi nhìn được ra thế giới chỉ là thông qua một chiếc tivi đen trắng đi xem nhờ hàng xóm. Cái thời mà chúng tôi hay làm văn được câu hỏi “Ước mơ sau này lớn lên của em là gì?”, đa phần cả lớp con gái thì đòi làm giáo viên, còn đám con trai thì làm bộ đội. “Cơ mà làm nhà báo oách hơn - vừa được đi khắp thế giới mà thỉnh thoảng còn lên được tivi cả làng nhìn thấy” - lúc ấy tôi nghĩ thế. Thế rồi tôi trở thành nhà báo thật, dù con đường đến với nghề báo là một bước rẽ ngang.
Học nghề
Giấc mơ xếp 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt thành một tác phẩm báo chí với tôi và những “tay ngang” giống tôi không hề dễ dàng. Tôi vẫn nhớ nhiều lần bị trả bài liên tiếp vì bài viết không logic, lỗi morat hay tự suy luận quá nhiều trong bài viết... Giá như viết báo có công thức cụ thể thì những “tay ngang” như tôi đã dễ dàng đi bao nhiêu. Nhìn các bạn phóng viên ngồi cạnh ào ào gõ chữ, đầu óc họ đầy ắp kiến thức về văn chương rồi bài xuất bản ra liên tục như “nắng hạn gặp mua rào", tôi nản suýt bỏ nghề.
“Đọc thật nhiều vào” – lời chỉ bảo của đàn anh đi trước đã giúp tôi có những tác phẩm được đăng đầu tiên. Rồi dần dà đi theo các bậc “tiền bối” tôi cũng hiểu ra cách tìm đề tài, thu thập thông tin, nghệ thuật phỏng vấn, xử lý tư liệu và hoàn thiện bài báo.
Viết thì ngắn như vậy nhưng để có thể hoàn thành một bài báo, bản thân tôi cũng phải tìm hiểu và học rất nhiều. Mỗi đề tài mới lại mở ra cho tôi một chân trời mới về kiến thức, không thể là một “tay mơ” khi viết những bài báo mang màu sắc chuyên môn của các ngành nghề khác nhau. Chính vì thế với mỗi bài báo hoàn thành, tôi đã phải đọc rất nhiều, đọc để biết rằng cần phải phỏng vấn ai để làm rõ vấn đề, đọc để hiểu rằng cần phải phỏng vấn họ về điều gì để đưa đúng thông tin cần thiết cho độc giả.
Còn nhớ khi thu thập thông tin về chuỗi đề tài “Nồi cơm không đường” mà tôi từng thực hiện, nếu không đặt mình vào vị trí nhà báo hẳn tôi cũng sẽ rất tin tưởng những thông tin “ảo diệu” mà loại nồi cơm này mang lại cho người bệnh đái tháo đường. Những nghiên cứu, bảng phân tích thành phần so với nồi cơm thông thường, những ý kiến đánh giá mang đầy tính tung hô của một số nhà khoa học khá có tên tuổi khiến tôi khó có thể nghi ngờ về lợi ích của nó mang lại.
Là một người viết tác phẩm mang tính phản biện, sự tò mò thôi thúc tôi phải tìm hiểu về nó rồi phân tích so sánh, gặp những chuyên gia đầu ngành để lắng nghe ý kiến từ họ. Và khi tổng hợp dữ liệu về sản phẩm này thì tôi kết luận rằng: “Một sản phẩm đầy tính quảng cáo lố lăng”.
Viết báo phản biện luôn là điều tôi cảm thấy thú vị, mỗi bài báo luôn là một màu sắc khác nhau, và mỗi đề tài lại mang cho mình một chân trời kiến thức mới. Đến nỗi sau vài năm làm báo, giờ tôi có thể trò truyện với một kỹ sư, bác sỹ hay dược sỹ hoặc người nông dân một cách khá “bình đẳng” bằng ngôn từ chuyên môn trong ngành của họ.
Hành nghề
Là người viết báo phản biện, những đề tài mà tôi cùng các đồng nghiệp thực hiện luôn mang tính “sát thương cao” – không ít lần cánh làm báo chúng tôi phải nghe những cuộc điện thoại dọa dẫm, một vài lần những lời dọa dẫm ấy biến thành sự thật. Rồi khi động chạm vào những “nhóm lợi ích”, áp lực với chúng tôi là vô cùng lớn. Ngoài học viết được báo, anh em trong nghề luôn dặn dò thêm việc phải học được cách bảo vệ bản thân mình vì nhà báo có quá ít biện pháp được bảo vệ.
Với “tay ngang” như chúng tôi, mới đầu khi tiếp xúc với những lời cảnh báo ấy là tâm lý lo sợ và thực sự không dám đánh đổi công việc hiện tại sang nghề viết báo.
Nhưng những bài viết mang tính phản biện nhận được những ý kiến đông viên từ độc giả, sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền lại làm tôi dần quên đi những mối lo sợ ấy. Dần dã, bản lĩnh được trui rèn, tôi coi đấy là một phần công việc của người làm báo.
Nghề làm báo cũng là một nghề rất lạ, đôi lúc đi chơi cũng là đi làm mà đi uống rượu say khướt cũng là đang đi làm. Không bị gò bó bởi khung thời gian giờ hành chính nhưng cứ lúc nào có tín hiệu có thể lấy được thông tin quan trọng là chúng tôi sẵn sàng lên đường.
Quá trình viết báo luôn yêu cầu chúng tôi phải cập nhật những kiến thức cho bản thân, thay đổi tư duy mới. Thoạt nghe thì làm báo rất thích thú vì được đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng để làm báo một cách bền bỉ là điều không hề dễ dàng. Ngoài những cám dỗ, hiểm nguy khi tác nghiệp, bản thân cũng luôn luôn phải trau dồi kỹ năng học hỏi thêm kiến thức để mỗi tác phẩm báo chí viết ra mang một màu sắc riêng biệt không trùng lặp. Báo chí mà rập theo khuôn mẫu thì vô cùng nhàm chán, không chỉ nhàm chán với độc giả mà còn là liều thuốc tự giết chết tính sáng tạo của người viết.
Duy Trung
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ke-viet-bao-tay-ngang-a594466.html