Cần lưu ý các mốc thời gian quan trọng
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Để đảm bảo quyền lợi và điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, có một số mốc thời gian quan trọng các thí sinh cần lưu tâm để thực hiện đúng thời hạn:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Trong đó, 14h ngày 27/6, thí sinh sẽ phải có mặt ở các điểm thi để làm thủ tục dự thi. Thí sinh lưu ý số phòng thi, số báo danh và đối sánh kỹ các thông tin trong thẻ dự thi. Nếu có bất cứ sai sót nào cần báo ngay cho giám thị.
Cụ thể, ngày 28 và 29/6, thí sinh bước vào làm bài thi môn Ngữ văn, Toán, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội và môn Ngoại ngữ. Theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Ngày 18/7, Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 20/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 22/7, công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chậm nhất ngày 24/7, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh.
Chậm nhất ngày 5/8, phúc khảo bài thi (nếu có).
Chậm nhất ngày 12/8, xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
Chậm nhất ngày 15/8, gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD&ĐT.
Lưu ý điểm cộng và những vật dụng được mang vào phòng thi
Theo Sức khỏe & Đời sống, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.
So với năm 2022, quy chế mới đã bỏ quy định thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi. Thay đổi này xuất phát từ lo ngại người coi thi không đủ chuyên môn kiểm tra từng thiết bị thí sinh mang vào, dễ dẫn đến tiêu cực xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Theo Quy chế tuyển sinh Đại học ban hành năm 2022, Bộ GD&ĐT chính thức điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển sinh bắt đầu từ năm 2023 này. Với quy định mới, thí sinh ở các khu vực được cộng điểm ưu tiên đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được) / 7,5] × Mức điểm ưu tiên
Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Các thầy cô giáo thuộc Hệ thống giáo dục Hocmai đưa ra những lưu ý cho các sĩ tử:
Rà soát lại kiến thức: Các em cần hệ thống hóa kiến thức, học hiểu nội dung. Tập trung luyện tập phản xạ, quen thuộc với hình thức, cấu trúc, thời gian làm bài thi.
Giữ gìn sức khỏe: Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức quá khuya. Bên cạnh việc ăn uống điều độ và đủ chất thì các em cần kết hợp luyện tập thể chất, thư giãn, nghỉ ngơi.
Nắm rõ thông tin về kỳ thi: Các em cần nắm rõ lịch thi và thời gian làm bài thi, địa điểm, phòng thi, số báo danh và những quy định bắt buộc trong phòng thi.
Chuẩn bị các vật dụng cần thiết: Giấy tờ cá nhân (giấy báo thi, CCCD), dụng cụ thi (bút, máy tính bỏ túi, Atlat Địa lý…), trang phục lịch sự đúng chuẩn mực và thoải mái.
Bí kíp ôn thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn “nước rút” cho thí sinh
Trao đổi với báo Thanh Niên, Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, lưu ý những việc quan trọng học sinh cần làm trong giai đoạn này là lên kế hoạch cụ thể, rà soát ôn luyện lại những phần kiến thức chưa chắc chắn. "Theo đề thi tốt nghiệp THPT các năm qua, kiến thức được tích hợp trong một thời gian dài không phải thuộc một phần nào cả. Do đó, chúng ta không thể ôn luyện trong một thời gian rất ngắn khối lượng kiến thức khổng lồ. Ở thời điểm hiện tại chúng ta cần rà soát lại, những phần nào mơ hồ cần lên kế hoạch tập trung củng cố kiến thức đó", tiến sĩ Viên nhấn mạnh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng có lời khuyên với TS trong giai đoạn nước rút. Cụ thể, ở giai đoạn này TS chỉ tập trung vào việc tổng hợp kiến thức. Nhiệm vụ của TS giai đoạn này là ăn đủ bữa và ngủ đủ giấc, có thể kết hợp thêm môn thể thao nhẹ nhàng để có đủ năng lượng cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn uống các thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe.
"Bước vào phòng thi với tâm lý vững vàng, kiến thức có chắc chắn sẽ thành công. Có kiến thức tốt mà tâm lý bất ổn cũng chưa chắc thành công. Phụ huynh cần đồng hành cùng các TS, đừng bao giờ áp đặt với TS", thạc sĩ Trương Quang Trị khuyên.
Trong khi đó, một chuyên gia của Sở GD&ĐT Tp.HCM cho rằng trong bài thi được sử dụng để xét tuyển vào Đại học thường có những câu hỏi rất khó và rất ít TS có thể hoàn thành 100% câu hỏi. Với các câu hỏi rất khó nên để lại trong khoảng thời gian cuối cùng buổi thi. "Chiến lược ở đây là yêu cầu không được bỏ câu nào mà không chọn đáp án cho câu hỏi đó. Có những TS rơi vào tình cảnh hoảng loạn cuối giờ thi nên có câu đánh thừa đáp án cũng không được công nhận. Việc bỏ trống là bỏ qua cơ hội ngàn vàng trong quá trình thi", ông Tân tư vấn.
Dù trúng tuyển sớm thì kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn rất quan trọng
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, cho biết đến thời điểm này TS đã biết kết quả xét tuyển các phương thức sớm của các trường Đại học. Đây là bước để giúp TS tự tin trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nhưng dù là xét tuyển giai đoạn nào thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng rất quan trọng để quyết định việc trúng tuyển chính thức. TS không nên chủ quan với kỳ thi này vì theo quy chế TS phải đủ điều kiện cần là tốt nghiệp THPT mới chính thức trúng tuyển. Những TS trúng tuyển sớm theo dõi chuẩn bị các bước tiếp theo để hoàn thiện việc xét tuyển Đại học.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng song song với việc thi tốt nghiệp, TS lưu ý thêm về các mốc thời gian của việc xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Đặc biệt là việc lựa chọn nguyện vọng để đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn từ ngày 10 - 30/7 tới.
Thông tin trên Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc xét tuyển sớm vào các trường đại học không đảm bảo các em sẽ trúng tuyển vào trường đó.
Kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khi các thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT, các em chưa đủ điều kiện vào học đại học. Như vậy, khi các em thi tốt nghiệp THPT, có điểm, các em vẫn phải đăng kí nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi đăng kí xét tuyển sớm vào các trường đại học, thí sinh phải đăng kí trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ 1 đến hết.
Thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhưng chỉ trúng tuyển duy nhất 1 trường. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ sẽ giúp lọc các thí sinh ảo.
Liên quan tới phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ nhiều lần nhắc các trường về việc có thể thực hiện xét tuyển sớm nhưng không được yêu cầu thí sinh nhập học chính thức. Đồng thời, các trường cũng không được công bố danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức sớm.
Để bảo đảm quyền lợi, cơ hội của thí sinh, việc xét tuyển chính thức phải chờ kết quả tốt nghiệp THPT, lịch nhập học phải theo quy trình chung của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Sơn, khi các trường cho thí sinh nhập học sớm, các em sẽ phân vân xem lựa chọn nhập học theo kết quả này hay chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác. Vì vậy, nhiều thí sinh có thể bở lỡ những cơ hội khác đáng ra cần ưu tiên hơn.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-luu-y-khong-bao-gio-thua-cho-thi-sinh-thi-tot-nghiep-thpt-2023-a594605.html