Theo đó, kinh tế Tp.Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I năm 2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng.
Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-20221, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2023 ước tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82%; khu vực dịch vụ tăng 0,95%; ở chiều ngược lại, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2,36% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,26%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù vậy, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.
Trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, đóng góp 4,18 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,4%, đóng góp 0,04 điểm; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,6%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung.
Quy mô nền kinh tế Thành phố này trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng gần 17 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 363 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 346 tỷ đồng).
Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực so với cùng kỳ năm trước: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93%. (Cùng kỳ năm 2022, cơ cấu của các khu vực tương ứng: 2,14%; 20,37%; 67,29% và 10,20%).
Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Tp.Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước.
Xét về quy mô GRDP, Tp.Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước, đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 1 bậc so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
6 tháng cuối năm khó phát triển bứt phá
Về thu hút đầu tư, tính đến 15/6, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 36.756,6 tỷ đồng, giảm 7,7% số dự án nhưng gấp 9,1 lần tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có 6 dự án trong Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao với tổng vốn đăng ký 1.166 tỷ đồng giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến 15/6, Thành phố này đã cấp mới chứng nhận cho 62 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 9,5 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 45 dự án và tăng 37,5% về số vốn đăng ký); có 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 2,77 triệu USD (so với cùng kỳ giảm 01 dự án và chỉ bằng 5% giá trị vốn góp); có 20 dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với phần vốn tăng thêm 13,94 triệu USD.
Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2023 là 26,21 triệu USD, bằng 58,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Cục Thống kê Tp.Đà Nẵng phân tích, trong bối cảnh kinh tế thế giới kém khả quan do nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm; nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế Tp.Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,74%.
Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... ở mức thấp.
Với con số tăng trưởng 3,74% trong 6 tháng qua, mục tiêu tăng 7% cả năm nay theo kế hoạch là một thách thức trong bối cảnh các khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng…
“Với tình hình kinh tế thế giới và cả nước hiện nay, kinh tế quý III và 6 tháng cuối năm của Tp.Đà Nẵng còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá, nhưng khả năng sẽ cải thiện hơn so với quý II và 6 tháng đầu năm.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Cục trưởng Cục thống kê Tp.Đà Nẵng nhân định.
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tpda-nang-tinh-hinh-kinh-te-6-thang-dau-nam-the-nao-a595070.html