Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) Lê Ánh Dương cho biết, thành phố cơ bản không thiếu điện vào tháng 7 và tháng 8.
Theo báo Lao động, tại cuộc họp báo của UBND TP. Hà Nội diễn ra chiều 30/6, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình hình cung ứng điện của thành phố trong thời gian tới, nhất là khi miền Bắc khả năng nắng nóng kéo dài trong những ngày đầu tháng 7.
Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Lê Ánh Dương cho biết, trong kịch bản điện của Hà Nội, thành phố cơ bản không thiếu điện vào tháng 7 và tháng 8. Trong thời gian dự kiến nắng nóng ngày 1-10/7, phía công ty cam kết đảm bảo cung ứng điện.
Theo ông Dương, Hà Nội cũng đang lên kế hoạch tiết kiệm điện ở nhà dân, các trụ sở, cơ quan, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm 11h-14h và 19h-23h hàng ngày để hệ thống không bị quá tải.
"Chúng tôi cam kết trong thời gian tới không thiếu điện nữa", ông Lê Ánh Dương cho hay.
Theo báo Công an Nhân dân, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề tăng giá nước sạch, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thành Tâm cho biết, trong phương án điều chỉnh giá nước, để đảm bảo đời sống của người dân, Hà Nội sẽ không tăng đột ngột mà thực hiện tăng theo lộ trình trong vòng 2 năm…
Bà Tâm khẳng định, Hà Nội luôn xác định giá nước sạch có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố đã xem xét rất thận trọng.
“Theo thông tin nắm bắt được, việc điều chỉnh giá nước lần này của thành phố về cơ bản được người dân đồng tình, ủng hộ. Về phương án giá, người dân cũng đánh giá không tác động nhiều đến đời sống. Tuy nhiên người dân cũng mong mỏi bên cạnh điều chỉnh giá nước thì sẽ có nội dung cụ thể về chất lượng nước để đảm bảo cuộc sống”, bà Tâm nói.
Tại buổi họp, Phó Giám đốc Sở Tài chính cũng cho biết, khi xác định phương án giá nước, thành phố đã thành lập tổ công tác thẩm định giá trên địa bàn. Phương án giá nước khi tính toán đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt; các yếu tố cấu thành giá đảm bảo và đảm bảo lợi nhuận của nhà đầu tư cũng được thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cung cấp thêm thông, chi phí đầu tư nguồn nước mặt qua rà soát thống kê và theo định mức đơn giá tính toán thì hiện nay đang cao hơn chi phí nước ngầm. Do đó, cần điều chỉnh giá nước để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi đầu tư nguồn chi phí khai thác nước mặt cho phù hợp.
“Trong 10 năm qua, chúng ta ổn định giá nước. Thành phố tính toán điều chỉnh giá nước từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Đến năm 2022, trong xu thế bắt buộc phải điều chỉnh giá nước, để đảm bảo chi phí đầu vào và đầu ra, các đơn vị đã nghiên cứu rất thận trọng. Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, các đối tượng an sinh xã hội và so sánh chi phí mức sinh hoạt dưới 10m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh như Quảng Ninh, Điện Biên”, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Bảo An (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/evn-ha-noi-cam-ket-khong-thieu-dien-a595102.html