Nhìn lại hơn 10 năm về trước, Tổng Công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood II, UPCoM: VSF) đã có những lần “trượt chân" liên tiếp và đến thời điểm năm 2023, phần nào vẫn còn để lại những hệ lụy đáng buồn.
Thông tin qua về công ty, Vinafood II tiền thân là Tổng Công ty lúa gạo miền Nam, thành lập năm 1976 theo quyết định của Bộ Lương thực và Thực phẩm, trụ sở tại Tp.HCM. Năm 2010, Vinafood II chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Hiện, Vinafood II có 14 đơn vị thuộc khối mẹ và 12 Công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Lương thực miền Nam giai đoạn 2012 – 2015 nhằm đảm bảo công ty có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, chủ động thu mua, dự trữ, xuất khẩu lương thực…
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy quá trình tái cơ cấu của Vinafood II diễn ra khá ì ạch, liên tiếp ghi nhận số lỗ kéo dài.
Gần một thập kỷ "chỉ lỗ"
Năm 2013 có lẽ là năm mở màn cho những sóng gió tại Vinafood II với số lỗ sau thuế lên tới 299,8 tỷ đồng. Tiếp đến năm sau đó, năm 2014, số lỗ trên tăng lên gấp hơn 3 lần, chạm tới con số 908 tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 được công bố, doanh thu thuần Vinafood II ghi nhận đạt 26.339 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.
Dù doanh thu giảm nhưng do trong kỳ giá vốn giảm nên lợi nhuận gộp năm 2014 của Vinafood II vẫn tăng mạnh gần 68% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí chính là lý do lớn nhất kéo mạnh lợi nhuận của công ty đi xuống. Theo đó, chi phí bán hàng của Vinafood II tăng “chóng mặt", từ 1.563 tỷ đồng lên 2.798 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 79%. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đến 45% lên 666 tỷ đồng.
Bên cạnh gánh nặng “khổng lồ" đến từ các chi phí, do không sự sụt giảm của các khoản lợi nhuận khác cũng là lý do khiến sau thuế của Vinafood II lỗ nặng hơn 900 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ từ 2015-2018, Vinafood II kinh doanh doanh không mấy khả quan với doanh thu liên tục sụt giảm, từ 22.750 tỷ đồng năm 2015 xuống vỏn vẹn chỉ còn 2.586 tỷ đồng, tương đương giảm gần 9 lần. Đáng buồn, tại thời điểm năm 2018, công ty cũng ghi nhận số lỗ kỷ lục 1.488 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh thời gian qua đối với một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, có nhiều điều kiện, lợi thế so với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là xuất khẩu gạo quả thật rất đáng thất vọng.
Trong giai đoạn này, đầu năm 2018, Tập đoàn T&T Group của bầu Hiển đã bỏ ra 1.250 tỷ đồng đầu tư vào Vinafood II, trở thành cổ đông chiến lược với tỉ lệ nắm giữ là 25%. Tuy nhiên, dù được coi là phao cứu sinh trên vẫn không thể “kéo” lại được tình trạng “bình mới, rượu cũ” sau cổ phần hóa và tình hình kinh doanh “trượt dài" trong thua lỗ của Vinafood II.
Năm 2018 cũng là năm Vinafood II thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với số lượng gần 115 triệu cổ phần, tương đương 22,97% vốn điều lệ cho 41 nhà đầu tư - trong đó có một nhà đầu tư tổ chức và 40 nhà đầu tư cá nhân tại mức giá trúng bình quân là 10.101 đồng/cổ phần, tương đương giá khởi điểm.
Giá đấu thành công cao nhất là 12.000 đồng/cổ phần và giá đấu thấp nhất là 10.100 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về sau đấu giá gần 1.160 tỷ đồng.
Kinh doanh cầm chừng dù đã báo lãi
Bước sang giai đoạn 2019-2022, doanh thu thuần của Vinafood II giao động nhẹ quanh vùng 16.800 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận của công ty ngành gạo này lại có sự biến động khá lớn. Sau 3 năm báo lỗ tăng “đều", đến năm 2022, công ty đã lần đầu thoát lỗ sau 10 năm ròng rã với lợi nhuận sau thuế đạt 21 tỷ đồng.
Nhiều năm thua lỗ liên tiếp đã khiến lỗ lũy kế của Vinafood II tính đến cuối quý I/2023 lên đến 2.793 tỷ đồng, tương đương 55,87% vốn điều lệ. Mặc dù bức tranh dòng tiền hoạt động kinh doanh có phần tích cực hơn nhưng mức thặng dư không lớn khiến dư địa dòng tiền cho đầu tư bị hạn chế.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinafood II thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 15.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100,58 tỷ đồng.
Quay trở lại bức tranh tài chính của Vinafood II trong quý đầu năm 2023, doanh thu của Vinafood 2 đạt 4.170 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, do phát sinh các chi phí đã xói mòn lợi nhuận của công ty. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng tăng hơn 30 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Vinafood II báo lãi 517 triệu đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/3, nợ vay của Vinafood 2 ở mức 3.700 tỷ đồng, chiếm 43% cơ cấu vốn. Trong đó đa phần là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động.
Trong báo cáo tài chính quý I/2023 phần tài sản cố định vô hình, Vinafood II cho biết, CTCP Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh (công ty con của Tổng công ty) có 4 lô đất với tổng nguyên giá hơn 561 tỷ đồng. Cụ thể, tất cả các lô đất trên đều có địa chỉ tại Tp.HCM với lô lớn nhất có nguyên giá 429 tỷ đồng, với diện tích 21.680,10m2 tại số 1610 Võ Văn Kiệt, phường 7, quận 6.
Tại một diễn biến khác, ngày 29/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với 3 cá nhân về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) và một số đơn vị liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, công an xác định: Trương Thanh Phong, nguyên Tổng Giám đốc; Trần Văn Vẹn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); Trần Bảy, nguyên Trưởng Phòng kế hoạch chiến lược Tổng Công ty Vinafood II, đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích 7.619,8 m2 tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, Tp.HCM, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.
Trước đó Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã xác định, khu đất tại số 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh trước đây thuộc quyền quản lý, sử dụng của Vinafood II.
Theo đó, công ty đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không tự triển khai dự án mà đem góp vốn với các đối tác bên ngoài. Sau đó, thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.
Việc lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn để thực hiện dự án này cũng được những người có trách nhiệm của Vinafood II thời điểm đó cho triển khai theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch.
Hành vi này đã làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Cụ thể, khu đất có vị trí đắc địa trên đã được những người có trách nhiệm của Vinafood II chỉ định cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim làm đối tác liên doanh, liên kết. Để chuẩn bị thực hiện dự án cao ốc này, năm 2007 Vinafood II đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Vĩnh Hội.
Hiện tại, Dự án đang được triển khai trên khu “đất vàng” tọa lạc tại số 132 Bến Vân Đồn có tên gọi là Masteri Millennium với chủ đầu tư bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Điền, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội và Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt.
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vinafood-ii-thap-ky-dang-buon-cua-mot-ba-chu-nganh-gao-a595177.html