Du khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, cơ hội phục hồi du lịch

Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, vừa là cơ hội vừa là thách thức để ngành du lịch tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn.

Nguồn khách quốc tế quan trọng

Đầu tháng 7/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin từ số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, số lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam ước tính trong tháng 6/2023 là 284.350 lượt, lũy kế 6 tháng đầu năm là 1.602.183 lượt. Đây là quốc gia dẫn đầu số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn gần 50% so với thị trường từ Trung Quốc.

Trò chuyện với Người Đưa Tin, anh Yoo Hyong-rok, một nhân viên văn phòng 29 tuổi cho biết, anh đã có chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3 sau khi xem các chương trình truyền hình giới thiệu về Việt Nam và xem các bài đăng trên mạng xã hội về ẩm thực và văn hóa Việt Nam.

Anh Hyong-rok nói: "Nhiều bạn bè của tôi đã đến thăm đất nước này vào các kỳ nghỉ. Tôi đã nghe rất nhiều điều tuyệt vời về Việt Nam nên quyết định thử đi cho biết".

Sau khi đến Đà Nẵng, anh Hyong-rok đã bất ngờ khi thấy rất nhiều cơ sở kinh doanh treo các bảng hiệu tiếng Hàn, từ nhà hàng thịt nướng, thẩm mỹ viện cho đến các chuỗi cà phê.

Đối với du khách Yoo Hyong-rok, Việt Nam cho phép anh được mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài Hàn Quốc đồng thời cũng mang đến cho anh trải nghiệm hương vị quê nhà ở một đất nước khác.

"Tại Đà Nẵng, tôi đã thử vào một trong những tòa nhà phong cách Hàn Quốc và ăn uống tại nhà hàng ở trong đó. Hương vị thức ăn giống như ở Hàn Quốc và các nguyên liệu chế biến thậm chí còn tươi hơn", anh Hyong-rok nhận xét.

Tiêu dùng & Dư luận - Du khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, cơ hội phục hồi du lịch

Số lượng du khách đến từ Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu trong nhóm thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Từ tháng 2/2023 đến nay, các hãng hàng không của Việt Nam và Hàn Quốc đã xúc tiến kết nối lại đường bay giữa 2 quốc gia, sau 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19. Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc là Jeju Air đã triển khai từ tháng 4/2023, mở lại các chặng bay từ Incheon đến Hà Nội và Tp.HCM. Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, hãng hàng không này đã khai thác trở lại các chặng bay từ Incheon đến Đà Nẵng, Nha Trang và chặng bay từ Busan đến Đà Nẵng.

Một yếu tố khiến số lượng lớn người dân Hàn Quốc chọn Việt Nam là điểm đến du lịch là bởi xu hướng du lịch mới, được gọi là “Longcation”. Thuật ngữ này đề cập đến một kỳ nghỉ dài ngày với nhịp độ chậm, trong đó khách du lịch thường ở trong một quốc gia, thành phố duy nhất trong suốt chuyến đi.

“Trước đại dịch, du khách Hàn Quốc lần đầu đến Việt Nam thường chọn Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh là điểm đến. Hiện nay, họ thường đặt vé máy bay thẳng đến Đà Nẵng, Phú Quốc hoặc Nha Trang. Cả ba đều là các điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, cách xa sự ồn ào, náo nhiệt của các thành phố lớn”, đại diện Công ty du lịch Hana Tour (Hàn Quốc) nói với Người Đưa Tin.

Tăng cường hơn nữa xúc tiến du lịch

Số liệu khả quan là vậy, nhưng theo báo cáo hồi quý 1/203 của công ty nghiên cứu thị trường Outbox Company thì chỉ có 18% du khách Hàn Quốc “tự tin hiểu biết về Việt Nam”.

Ông Đặng Mạnh Phước, Tổng Giám đốc của The Outbox Company đánh giá: “Du khách tìm kiếm thông tin du lịch vẫn chủ yếu qua các blog, trang web du lịch hoặc trực tuyến, thay vì các chiến dịch quảng bá, truyền thông quy mô lớn. Do đó, mức độ nhận biết rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc quảng bá điểm đến cho du khách”.

Tiêu dùng & Dư luận - Du khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, cơ hội phục hồi du lịch (Hình 2).

Du khách Hàn Quốc tham quan Phố cổ Hội An.

Trong khi đó, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ, Việt Nam đã đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị du lịch tới khách hàng Hàn Quốc thông qua nhiều chiến dịch truyền thông. Các chương trình truyền hình thực tế hút khách tại Hàn Quốc nhiều lần nhắc đến Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy người Hàn đến Việt Nam du lịch.

Theo bà Hoàng, Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ du lịch đáp ứng được tiêu chuẩn cao của khách Hàn như “đào tạo nhân lực về việc phục vụ khách quốc tế, chú trọng vấn đề ngôn ngữ, tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá với khách Hàn Quốc".

Ngoài ra, ngành du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, mạo hiểm, nghỉ dưỡng và ẩm thực cũng như các trải nghiệm độc đáo, khác biệt.

Bà Hoàng cho biết thêm, hiện khách Hàn Quốc chủ yếu đi du lịch tự túc hoặc đặt qua các công ty Hàn Quốc có đại diện tại Việt Nam. Các công ty du lịch Việt khó đón được khách Hàn. Nếu khách Hàn mua tour tại Việt Nam, họ chủ yếu mua các tour trong ngày, nhỏ lẻ.

Để giải quyết vấn đề này, bà Hoàng cho rằng các công ty du lịch Việt cần tăng cường hợp tác với các công ty Hàn Quốc để tạo ra các gói tour hấp dẫn, thuận tiện cho khách du lịch.

"Xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, tiếp thị du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc là điều chúng ta cần làm", bà Hoàng nhấn mạnh.

Xác định thị trường chủ lực

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, chuyên gia du lịch, thị trường Đông Bắc Á, trong đó có Hàn Quốc là "không thể thiếu" với du lịch Việt Nam và có nhiều ưu điểm. Các nơi này gần chúng ta về địa lý, có sự tương đồng văn hóa, nhiều cơ hội kinh doanh và đông dân.

"Về lâu dài, du lịch Việt Nam cần xác định Đông Bắc Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng là thị trường chính, có tác động lớn đến tốc độ phục hồi du lịch của Việt Nam”, ông Long chỉ ra.

Cũng theo ông Long, du lịch Việt Nam cần chuẩn bị nhiều giải pháp thu hút khách từ Hàn Quốc. Trước tiên vẫn phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón tiếp, đặc biệt là nguồn nhân lực, cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm ở điểm đến, số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

PV

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/du-khach-han-quoc-den-viet-nam-tang-manh-co-hoi-phuc-hoi-du-lich-a595179.html