Theo VnExpress, khảo sát tại ngày 26/6, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường giảm về 8%/ năm và cũng chỉ xuất hiện tại 2 nhà băng là GPBank (kỳ hạn 12 tháng) và Saigonbank (kỳ hạn 13 tháng).
Các ngân hàng trong nước còn lại đều đưa lãi suất về dưới 8% một năm. Trong đó, chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất (thường áp dụng với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng) dưới 7%/năm gồm 4 nhà băng quốc doanh trả 6,3%/năm. Một số nhà băng tư nhân như Techcombank, VIB, ACB, DongABank, LPBank trả từ 6,6% đến 6,85%/năm. Hơn 20 nhà băng tư nhân còn lại có mức lãi tiền gửi từ 7% đến dưới 8%/năm.
Với kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, nhóm ngân hàng quốc doanh niêm yết dưới 6% còn lãi suất tại nhóm tư nhân dao động 6,5% đến 7,9%/năm. Các khoản tiền gửi dưới 6 tháng hiện bị khống chế bởi mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định là 4,75%/năm.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 cách đây ít ngày, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới đang tiếp tục có xu hướng giảm dần, báo Lao động đưa tin.
Theo đó, trong một vài ngày qua, biểu lãi suất huy động tại một số ngân hàng có xu hướng được điều chỉnh tăng mạnh hoặc tiếp tục được duy trì ở mức cao đối với một số kỳ hạn dài trên 12 tháng. Đáng chú ý, một ngân hàng thương mại có trụ sở chính tại phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) trong ít ngày cuối tháng 6/2023 liên tiếp có tới 2 lần điều chỉnh lãi suất huy động.
Còn theo thông tin trên tờ Nhịp sống thị trường, trong biểu lãi suất huy động mới được áp dụng từ ngày 30/6, lần điều chỉnh này, ngân hàng VPBank bổ sung thêm mốc tiền gửi 50 tỷ đồng và tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng. Cụ thể, đối với các hình thức gửi tại quầy và gửi online, khách hàng gửi tiền từ 50 tỷ đồng trở lên sẽ được cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất. Ngân hàng hầu như không thay đổi các mức lãi suất niêm yết cho tiền gửi dưới 50 tỷ đồng.
Xem thêm: Eximbank lên tiếng về việc ồn ào bầu bà Đỗ Hà Phương giữ vị trí Chủ tịch HĐQT
Riêng kỳ hạn 24 tháng, VPBank tăng mạnh gần 2%/năm so với trước. Cụ thể, khi gửi tại quầy và online kỳ hạn 2 năm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tới 7,9-8,1%/năm thay vì chỉ 6,1-6,4%/năm như trước. Như vậy, VPBank hiện là ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường ở kỳ hạn gửi 2 năm.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng thấp hơn rất nhiều, chỉ ở mức 6,1-6,3%/năm đối với gửi tại quầy và 6,3-6,5%/năm đối với gửi online.
Lãi suất kỳ hạn 10 tháng – 13 tháng giống nhau, đều cùng 6,9-7,1%/năm (gửi tại quầy) và 7,1-7,3%/năm (gửi online).
Tuy nhiên theo biểu lãi suất mới nhất cập nhật đến ngày 2/7, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) mới đang là ngân hàng cùng lúc áp dụng mức lãi suất cao nhất trên 8%/năm cho nhiều kỳ hạn khác nhau.
Một số tổ chức đầu tư nhìn nhận, việc các ngân hàng tăng lãi suất trở lại và duy trì mức lãi suất cao với các kỳ hạn dài là diễn biến bình thường và phản ánh nhu cầu vốn dài hạn của một số ngân hàng đang tạm thời gia tăng mạnh. Bởi thực tế theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, các ngân hàng hiện nay chỉ được dùng 34% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
Trong trường hợp hết "room" vốn ngắn hạn, các ngân hàng sẽ buộc phải gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để cân bằng nguồn vốn huy động và tiếp tục phục vụ cho vay.
Khi NHNN giảm trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% xuống 34%, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhìn nhận rằng việc này có thể sẽ khiến chi phí vốn của các ngân hàng gia tăng, gây áp lực lên biên lãi ròng (NIM), do ngân hàng phải huy động vốn trung, dài hạn để cho vay đúng theo kỳ hạn, theo Lao động.
Vân Anh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-lai-suat-ngan-hang-bat-ngo-tang-soc-o-ky-han-dai-a595204.html