Chồng “ôm” điện thoại cả ngày, vợ không biết bảo con thế nào
Hết kỳ nghỉ hè này, bé Gia Hưng (10 tuổi), con trai vợ chồng chị Cẩm Anh (38 tuổi, ở TP Thủ Đức) sẽ bước vào lớp 5. Chị cho biết những năm học vừa qua, bé trai đều đạt học sinh xuất sắc và danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.
Về sức khỏe, từ khi chào đời đến nay, Gia Hưng chỉ bị ho, sổ mũi, sốt… đi khám, uống thuốc là hết. Tuy nhiên, điều chị Cẩm Anh băn khoăn là con trai bị cận khi đang học lớp 1. Đến nay, bé đã đeo kính cận hơn 3 năm, cứ 6 tháng một lần bé được đi khám mắt nhưng độ cận cứ tăng lên.
Trẻ nghiện điện thoại có nguy cơ cao bị cận thị. Ảnh minh họa.
Mới đây, khi đưa con đến khoa mắt một bệnh viện nhi khám thì mắt trái Gia Hưng tăng lên 6 độ, mắt phải 5,75 độ. Do cả hai bên nội ngoại không ai bị cận thị, bác sĩ kết luận nguyên nhân do bé Gia Hưng xem tivi, điện thoại nhiều. Để giúp mắt bé được cân bằng, vị bác sĩ khuyên chị Cẩm Anh nên giúp con hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.
Chị Cẩm Anh cho biết bé Gia Hưng biết sử dụng điện thoại từ khi 2 tuổi. Ban đầu, bé xem các video ca nhạc và các chương trình thiếu nhi do cha mẹ mở giúp. Đến tuổi lên 3, bé tự xem các chương trình mình thích và bắt đầu chơi các trò game đơn giản. Dần dần, cậu bé nghiện điện thoại, nghiện game. Cứ đi học về, hay các ngày nghỉ là bé “ôm” điện thoại.
Khi Gia Hưng hơn 6 tuổi thường mỏi mắt, lấy tay dụi mắt và nhìn xa không rõ. Chị đưa con đi khám và đo mắt, bác sĩ kết luận cậu bé bị cận thị cả 2 mắt và đều 3 độ. Từ đó, chị Cẩm Anh luôn tìm cách cai điện thoại cho con nhưng không thành công.
Năm nay, Gia Hưng bước vào năm học cuối cấp I, chị Cẩm Anh muốn con tập trung vào việc học, hạn chế chơi game nên tận dụng mùa hè này, chồng chị đang thất nghiệp sẽ có nhiều thời gian chơi với con thì cai điện thoại cho con. Tuy nhiên, mỗi khi nghe mẹ nói tắt điện thoại để hai cha con đi bộ, cùng đọc sách hay ra công viên gần nhà chơi, Gia Hưng liền nói: “Ba cũng sử dụng điện thoại cả ngày, sao mẹ cấm con, ba thì không”.
Chị Cẩm Anh cho biết câu nói của con khiến chị vừa giận vừa không biết làm sao. Bởi chồng chị cũng là người “nghiện” điện thoại mấy năm qua. Từ khi thất nghiệp, mức độ sử dụng của anh nhiều hơn. “Hơn 6 tháng qua, anh ấy không đi tìm việc làm, cả ngày chỉ biết xem phim, bóng đá, lướt mạng xã hội. Anh ấy như vậy làm sao tôi bảo được con”, giọng chị Cẩm Anh rầu rĩ.
Một bé trai đi khám cận thị ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC.
80-90% trẻ em Việt Nam sẽ bị cận thị vào năm 2025
Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp ở mắt khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi nhìn sự vật, hiện tượng xung quanh. Theo BS.CKII Phan Hồng Mai, trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM, hiện nay trẻ em mắc cận thị ngày càng tăng, đặc biệt sau mùa dịch COVID-19, trẻ học online trên máy vi tính kéo dài, nhiều trẻ bị "nhốt" ở trong nhà và với những trẻ đã bị cận thì dễ tăng độ thêm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2025 sẽ có khoảng 80-90% trẻ ở châu Á bị cận thị, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị có thể do di truyền và môi trường sống. Trong đó, yếu tố môi trường sống bị ảnh hưởng thường do trẻ nhìn nhiều vào màn hình điện thoại, máy tính, ít hoạt động ngoài trời, ở trong nhà nhiều....
Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử gây hại cho mắt trẻ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ hãy làm gương cho con
Lý giải nguyên nhân trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhiều dễ bị cận thị, Ths.BS Nguyễn Thành Danh, Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại gây nguy cơ giảm và mất thị lực.
Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên hạn chế để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử bằng cách cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, đọc sách, vui chơi thể thao, hướng dẫn con phụ giúp ba mẹ việc nhà nhiều hơn….
Trong trường hợp phải dùng máy vi tính để học tập, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ “night light” trên màn hình máy tính. Bên cạnh đó, trẻ cần được mang kính có chức năng lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử.
“Phụ huynh nên đặt thiết bị điện tử sao cho trung tâm màn hình thấp hơn vị trí của mắt khoảng 10cm; không đặt màn hình thẳng đứng nhằm tránh tình trạng phản chiếu ánh sáng. Khoảng cách giữa thiết bị và học sinh là 40cm đối với điện thoại di động; 60-65cm đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay”, bác sĩ Danh chia sẻ.
Đối với tivi, bác sĩ Danh khuyến cáo, khoảng cách ước lượng lớn hơn 1,5 lần kích thước màn hình. Ví dụ, với tivi 50 inches, khoảng cách phù hợp >75 inches, tương đương khoảng 2m.
Phụ huynh cũng cần hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại để học tập, bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop). Có thể sử dụng tivi kết nối với máy tính xách tay để có màn hình lớn hơn. Tuy nhiên cần lưu ý đến độ cao và khoảng cách của tivi đối với vị trí của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh nên nhắc nhở con nghỉ giải lao khi học được khoảng 35-45 phút để mắt trẻ được nghỉ ngơi.
Bác sĩ Danh cũng khuyến cáo khi thấy con có các biểu hiện bất thường ở mắt như: nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt… và cơ thể mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy… phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời để tránh mắt trẻ cận nặng hơn hoặc có các biến chứng xảy ra.
Ngoài ra, để trẻ có đôi mắt khỏe, phụ huynh cần lưu ý góc học tập của con nên yên tĩnh và thoáng mát. Phụ huynh cũng nên giảm áp lực học tập cho trẻ, tăng cường các hoạt động thể chất như chơi các môn thể theo, giúp trẻ có một tuổi thơ được tiếp xúc với nhiều thiên nhiên, khám phá những thú vị ngoài cuộc sống nhiều hơn. Bên cạnh đó, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để có đôi mắt sáng hơn, hạn chế việc tăng độ khi đã bị cận thị.
* Tên người mẹ và bé trai đã thay đổi.
DIỆU THUẦN