Bái trai 5 tuổi ở Hải Dương không qua khỏi khi bị đuối nước tại bể bơi trong resort

Khi đi du lịch cùng gia đình, bé trai bị đuối nước ở resort, sau đó do sơ cứu ban đầu sai cách, đưa đến bệnh viện muộn nên trẻ đã tử vong dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong 1 tuần trở lại đây, các bác sĩ tiếp nhận 3 ca đuối nước phải nhập viện, trong đó có trường họp tử vong và đáng tiếc là do sơ cứu sai cách, không được đưa đến viện cấp cứu kịp thời.

Trường hợp gần nhất là một bé trai 5 tuổi, ở Hải Dương, bị tai nạn đuối nước tại bể bơi resort khi gia đình đi du lịch ở một địa phương khác. Khi được phát hiện và vớt lên, trẻ đã tím tái, không thở, nhưng thay vì thổi ngạt và ép tim ngay, trẻ được vác dốc ngược chạy quanh trong vài phút rồi mới sơ cấp cứu.

Theo thông tin người thân cung cấp, thời gian trẻ có nhịp tim trở lại từ lúc được cấp cứu đến khi vào cơ sở y tế ban đầu khoảng 30 phút, sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ cho biết, khi vào viện, trẻ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn. Dũ đã được nỗ lực cấp cứu, hồi sức nhưng trẻ tử vong sau một ngày vào viện do tình trạng tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan vì thiếu ô xy kéo dài

Một trường hợp khác là bé trai 8 tuổi, ở Bắc Giang, may mắn hơn khi đã được cứu sống, dù nguy cơ xảy ra di chứng lâu dài vẫn có thể xảy ra. Trước đó, trẻ được vớt lên khi bị ngã xuống ao nhưng người cấp cứu không rõ trẻ có ngừng thở ngừng tim không, liền vác ngược người và chạy trong vòng 10 phút. Khi  được chuyển đến bệnh viện huyện, trẻ đã hôn mê, tím tái, thở ngáp nên lập tức được đặt nội khí quản chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh rồi tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại bệnh viện, trẻ hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Sau 5 ngày điều trị, trẻ tỉnh hơn, tự thở, hô hấp và huyết động ổn định. Tuy nhiên trẻ vẫn cần được điều trị và theo dõi lâu dài về những di chứng thần kinh do thời gian thiếu oxy não kéo dài sau đuối nước vì không được xử lý sơ cấp cứu ban đầu đúng cách.

Hô hấp nhân tạo, kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực là phương pháp cấp cứu cần thực hiện khi phát hiện người bị đuối nước. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Theo bác sĩ Toàn, việc vác trẻ chạy, kèm theo hành động dốc ngược trẻ sau khi bị đuối nước là sai lầm, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Bác sĩ Toàn hướng dẫn, khi trẻ bị đuối nước cần thực hiện các bước sau:

1. Đưa nạn nhận ra khỏi nước. Khi cấp cứu nạn nhân ở dưới nước cần nâng đầu nhô lên khỏi mặt nước, giúp nạn nhân trấn tĩnh và thở.

2. Khi đưa lên cạn, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh hay không, đồng thời gọi người đến hỗ trợ.

3. Bắt mạch ở tay hoặc bẹn cho nạn nhân, áp tai vào miệng hoặc quan sát lồng ngực xem nạn nhân còn thở không.

4. Dùng 2 tay chồng lên nhau, đặt vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/phút. Đồng thời khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hoặc khăn vải móc đờm dãi, dị vật ra khỏi miệng, rồi hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh khi đã đưa được tới cơ sở y tế.

5. Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại cho nằm nghiên để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, rồi chuyển đến bệnh viện. Nếu nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thôi ngạt trong lúc chờ nhân viên y tế đến.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bai-trai-5-tuoi-o-hai-duong-khong-qua-khoi-khi-bi-duoi-nuoc-tai-be-boi-trong-resort-a595493.html