Hà Nội tăng giá nước sạch: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Việc điều chỉnh tăng giá cung cấp nước sạch sẽ giúp cho các doanh nghiệp cung cấp nước sạch sinh hoạt tháo gỡ được nhiều khó khăn.

Theo dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/7, UBND Tp.Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, đây được xem là việc làm cấp thiết giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp nước sạch.

Những sợi dây trói buộc

Theo phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố của UBND Tp.Hà Nội, Thành phố đánh giá, việc giá nước không điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; các Dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.

Cụ thể, đối với các nhà máy nước ngầm (được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao): hiện đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.

Đối với các nhà máy nước đang vận hành: do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.

Đối với các nhà máy nước trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư: các nhà tư gặp khó khăn khi huy động vốn để đầu tư.

Tiêu dùng & Dư luận - Hà Nội tăng giá nước sạch: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Việc không điều chỉnh giá trong vòng 10 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp cung cấp nước sạch gặp khó khăn.

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, đại diện của Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cho biết khung giá đang áp dụng đối với nước sạch đã lâu, hiện không còn phù hợp: "giá tiêu thụ nước sạch thực hiện theo QĐ 38,39/2013 ngày 19/09/2013 tính đến nay đã được 10 năm, giá cả các yếu tố đầu vào đã tăng cao trong điều kiện Công ty luôn phải duy trì đảm bảo chất lượng nước, chất lượng dịch vụ khách hàng, kiểm soát đảm bảo an toàn mạng lưới tuyến ống… nên giá nước sạch theo quy định hiện nay đã không đáp ứng được chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty".

Đại diện công ty cũng khẳng định, việc chậm điều chỉnh có thể dẫn tới các tác động tiêu cực lớn.

Theo đó, tác động lớn đầu tiên liên quan đến Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 và Thông tư 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN01-1:2018/BYT) thay thế quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.

Trong đó yêu cầu kiểm soát chất lượng nước sạch cao hơn nhiều so với quy chuẩn cũ để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Với giá nước hiện tại thì Công ty không đủ điều kiện nguồn lực để kiểm soát, đầu tư nâng cao chất lượng nước theo quy chuẩn mới.

Ngoài ra, nhiều khu vực do Công ty quản lý vẫn mang tính chất nông thôn, địa bàn trải rộng, dân cư thưa dẫn đến suất đầu tư lớn trong khi người dân vẫn còn thói quen sử dụng nước giếng khoan/nước mưa (các hộ gia đình sử dụng dưới 10m3/tháng chiếm tỷ trọng cao).

Đây là yếu tố rất khó khăn có thể nhìn thấy rõ đối với các Doanh nghiệp cấp nước nói chung và Công ty nói riêng dẫn tới thiếu hụt nguồn lực để tái đầu tư mở rộng khó đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025 “Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%”, đại diện Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội bày tỏ.

Tháo gỡ nhiều khó khăn

Theo UBND Tp.Hà Nội, điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt thì các Đơn vị cấp nước có nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng công suất sản xuất nước sạch, đồng thời thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các Dự án cấp nước để đảm bảo sản lượng nước được cung ứng đầy đủ, liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Đại diện Công ty Nước sạch số 2 cho biết: "Việc điều chỉnh giá nước sẽ giúp Công ty khắc phục những khó khăn đang gặp phải. Bên cạnh đó Công ty sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư những ứng dụng khoa học công nghệ giúp ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng".

Điều chỉnh giá còn giúp chất lượng nước sạch sản xuất ra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Tiêu dùng & Dư luận - Hà Nội tăng giá nước sạch: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Hình 2).

Tăng giá nước sẽ giúp các doanh nghiệp cung cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

“Do thời điểm áp dụng giá nước mới của Tp. Hà Nội nằm trong chu kỳ sử dụng nước của khách hàng nên Công ty phải thực hiện điều chỉnh phần mềm tính toán tiền nước (giá cũ, giá mới) theo đúng số ngày thực tế sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, đại diện Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội chia sẻ về phương án điều chỉnh giá nước cụ thể. 

Đối với phương án chính sách hỗ trợ cho những đối tượng đặc biệt của UBND Tp.Hà Nội

Với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo: Mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10 m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 (mức giá này giữ nguyên theo mức giá nước sạch tại Quyết định 38/2013/QĐ-UBND).

Với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn: Thành phố có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân khu vực này.

Về phía Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội, với việc bổ sung thêm đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo Công ty cũng sẽ phối hợp với CQĐP và tăng cường hướng dẫn thông qua đội ngũ công nhân ghi thu và Tổng đài chăm sóc khách hàng (24/7) để đảm bảo thuận tiện nhất trong việc kê khai hồ sơ cho các hộ dân thuộc diện được hỗ trợ theo chủ trương của Thành phố. 

PV

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-tang-gia-nuoc-sach-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-a595532.html