Trong 2 ngày 4- 5/7 nhiều phụ huynh có con thi tuyển lớp 10 năm nay đã xếp hàng xuyên đêm, vạ vật trước cổng các trường: THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu, THPT Tạ Quang Bửu để canh giờ nộp hồ sơ nhập học cho con. Hình ảnh phụ huynh đêm hôm vạ vật, mệt mỏi, chen lấn, tranh cãi chuyện xếp hàng, ghi số để giành được suất học cho con đã trở thành vấn đề “nóng” nhận được quan tâm lớn của dư luận.
Có đúng Hà Nội "chỗ học không thiếu"?
Theo Tiền Phong, tại phiên họp chất vấn, Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, vấn đề giáo dục, đào tạo được đại biểu quan tâm, chất vấn. Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (quận Cầu Giấy) đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin về quy hoạch mạng lưới trường học để đảm bảo không thiếu trường lớp.
Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 2.845 trường học, trong đó 79% là trường công. Các trường học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập cho 2,3 triệu học sinh Thủ đô và hơn 1 triệu sinh viên của 120 trường đại học trên địa bàn thành phố.
Ông Cương cũng cho biết, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận, huyện rất quyết liệt để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hiện nay. Mỗi năm Hà Nội sẽ tăng trung bình từ 20-25 trường học. “Hiện tại, tôi khẳng định nội đô Hà Nội không thiếu trường học, chỗ học. Trường hợp phụ huynh xếp hàng từ sớm để nộp hồ sơ cho con vào trường tư thục thì có thể trường đó uy tín, đào tạo tốt nên gia đình muốn gửi gắm con vào đấy”, ông Cương nói.
Tuy nhiên, theo Dân Trí, những con số được đưa ra từ các văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội lại thể hiện một thực tế khác.
Năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, toàn thành phố có 129.210 học sinh lớp 9.
128 trường THPT công lập và công lập tự chủ trên địa bàn thành phố nhận chỉ tiêu như sau: công lập không chuyên 69.265 chỉ tiêu; công lập hệ chuyên 2.480 chỉ tiêu; công lập tự chủ 3.685 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu công lập, theo đó, là 75.430.
29 trường giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Hà Nội được giao 10.305 chỉ tiêu. 95 trường THPT tư thục được giao 26.829 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu cho lớp 10 là 112.654.
Những con số đó thể hiện trong Quyết định số 710/QĐ-SGDĐT ngày 21/4/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT công lập và công lập tự chủ năm học 2023-2024; Quyết định số 711/QĐ-SGDĐT ngày 21/4/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT tư thục năm học 2023-2024; Quyết định số 712/QĐ-SGDĐT ngày 21/4/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trung tâm GDNN-GDTX năm học 2023-2024.
Giả định 112.654 học sinh tìm được chỗ học phù hợp lấp đầy 112.654 suất học lớp 10 mà thành phố cung cấp thì vẫn còn 16.646 học sinh bị dư ra.
4 trường chuyên thuộc quyền quản lý của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội hằng năm tuyển sinh xấp xỉ 2.000 chỉ tiêu với đối tượng tuyển sinh toàn quốc. Giả định 1/2 số chỉ tiêu này dành cho học sinh Hà Nội, con số 16.646 dư ra nói trên giảm được 1.000, còn 15.646 em vẫn chưa biết xếp vào đâu.
Số học sinh không có chỗ học lớp 10 trên thực tế được cho là cao hơn rất nhiều do dân cư tập trung đông đúc trong các vùng trung tâm và thưa thớt ở các huyện vùng xa, miền núi. Đây là một phần lý do của hiện tượng có nơi học sinh hơn 40 điểm (trung bình 8 điểm/môn) vẫn trượt cả 3 nguyện vọng, nơi khác học sinh chỉ hơn 3 điểm mỗi môn vẫn đỗ nguyện vọng 1.
Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ học sinh học xong lớp 9 không có hộ khẩu Hà Nội mất quyền học cấp 3 công lập tại Hà Nội.
Câu chuyện học sinh Hà Nội không có chỗ học lớp 10 còn đau lòng hơn thế, dưới góc nhìn của các phụ huynh.
Chia sẻ với , bà Nguyễn Thị Mai (KĐT Vinhomes Smart City, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), có con sinh năm 2008, học Trường THCS Nguyễn Du (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), cho biết không tán thành phát biểu của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội rằng tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ là do trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm, bằng mọi giá phải cho con vào học.
"Ngay cả những trường dân lập không hề có tên tuổi, điểm chuẩn các năm trước rất thấp thì năm nay học sinh khá muốn vào cũng khó. Phụ huynh muốn nộp hồ sơ đều phải đến từ nửa đêm về sáng. Thậm chí nhiều người còn phải tìm cách nhờ vả để xin học cho con", bà Mai khẳng định.
Bà Hoàng Thị Thu Trà (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng kể, bà được các phụ huynh cùng lớp con nhờ vả rất nhiều trong những ngày qua để tìm bằng được một suất học dân lập.
"Các trường dân lập có uy tín về chất lượng hầu hết đã tuyển sinh được 90% chỉ tiêu trước khi Hà Nội công bố điểm chuẩn kỳ thi của Sở. Các trường dân lập tốp giữa, tốp cuối còn nhiều chỉ tiêu hơn nhưng điểm chuẩn "nhảy số" như... chứng khoán, hàng loạt học sinh trên 40 điểm vẫn trượt.
Thiệt thòi nhất là nhóm học sinh chỉ đạt tầm 34-36 điểm. Không "nhanh chân" đi xếp hàng giữ chỗ từ nửa đêm thì không có chỗ cho con học. Chậm 1 giờ là mất suất, chưa nói chậm 1 ngày. Những học sinh đó sẽ đi đâu? Lực học khá, không bố mẹ nào nghĩ con phải vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên mà giữ chỗ làm phương án dự phòng. Trong khi đó, các trung tâm này đã khóa sổ tuyển sinh từ 25/6", bà Trà chia sẻ.
Bà Trà cũng đặt câu hỏi: "Ngành giáo dục nói Hà Nội không thiếu chỗ học, có thể đúng, nhưng chỗ học nào mới quan trọng. Chẳng lẽ học sinh ở Thanh Xuân phải lên Ba Vì học vì ở đó còn nhiều chỗ?
Tôi đồng ý rằng phụ huynh chúng tôi có lỗi khi không chuẩn bị tất cả phương án dự phòng cho con, nhưng ngành giáo dục khiến trẻ con muốn học mà không có chỗ học thì... vô can sao?".
Cần chỉ đạo sát sao việc xây thêm trường
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, tình trạng quá tải trường lớp tại Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân. Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.
"Một áp lực khác đến từ chính những mong cầu của phụ huynh, khi mong muốn con có thể vào các trường THPT công lập tốt, các trường chất lượng cao, trường chuyên lớp chọn. Tâm lý này cũng làm gia tăng áp lực tuyển sinh. Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác năm nào cũng rất căng thẳng. Bố mẹ nào cũng hy vọng con có thể vào được THPT để rộng đường vào đại học, bởi vậy cuộc đua vào lớp 10 càng quyết liệt hơn nữa”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nói với VOV.
Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, Hà Nội tuy không thiếu trường công nhưng áp lực cạnh tranh vào trường công rất lớn, nhất là khu vực nội đô.
Lý giải điều này, ông Kỳ Anh cho rằng, theo quy hoạch thì Hà Nội không thiếu trường công. Bởi lẽ, khi quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị đều quy hoạch có hạ tầng, trường học. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra tình trạng “gánh” dự án. Có nghĩa, khi xây dựng các khu đô thị, chủ đầu tư chậm triển khai xây trường học khiến cho các trường cũ phải “gánh” trường học của dự án. Nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà để bán, còn trường học thì chậm triển khai.
Để giải sức nóng cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, giảm tải áp lực về thiếu trường lớp, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung cần đẩy mạnh rà soát, xác định rõ các quận huyện đang thiếu trường lớp. Đặc biệt cần kiên quyết xử lý những đơn vị, chủ đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị cố tình né tránh, không xây dựng đủ trường học theo đúng quy hoạch phê duyệt ban đầu.
“Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trường lớp do mất cân bằng quy hoạch cần quy rõ trách nhiệm cho địa phương. Các dự án xây dựng chung cư nếu không có các thiết chế xã hội đi kèm thì cần kiên quyết đình chỉ, buộc dừng lại. Ở ta vẫn nói nhiều khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, song sự đầu tư đó chưa thực sự tương xứng. Thậm chí có thể chưa cần sân vận động, nhà hát, nhưng xây trường cần được ưu tiên trước tiên. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì lợi ích lâu dài, không thể vì những nguồn lợi trước mắt mà bỏ qua những giá trị bền vững”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bên cạnh việc phát triển hệ thống trường công, các địa phương cũng cần có chính sách thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị đủ điều kiện được mở trường. Nhà nước cần có cơ chế để cả doanh nghiệp, xã hội và phụ huynh cùng có lợi.
Liên quan đến vấn đề này, theo VTC, sáng 1/7, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 1 Tp.Hà Nội (quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình quản lý, thành phố đã nhìn thấy những bất cập ngay trong nội tại của Thủ đô. Trong đó, nhiều dự án xây dựng khu đô thị dân cư đã ở ổn định 10-15 năm nhưng chủ đầu tư không chịu hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học.
Chính vì vậy, Tp.Hà Nội đã quyết định thu hồi hàng loạt ô đất được quy hoạch xây trường nhưng chủ đầu tư không chịu thực hiện. Hà Nội đang cân nhắc đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hoá để xây dựng trường lớp ở những khu đất này.
"Với cách như vậy, chúng ta sẽ dần khắc phục được thiếu trường, thiếu lớp”, Bí thư Hà Nội đồng thời cho biết, thành phố đã có nghị quyết đầu tư trọng tâm trong 3 lĩnh vực: y tế, giáo dục, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn.
“Đầu tư thêm bằng ngân sách của thành phố khoảng hơn 49.200 tỷ đồng và ngân sách các quận huyện vừa qua tổng hợp lại còn 40.000 tỷ đồng nữa, như vậy là khoảng 90.000 đồng. Theo thống kê, đến hết năm nay, riêng 3 lĩnh vực trên đã nâng cấp, tu bổ, trong đó nâng cấp y tế cơ sở, trường công lập đạt chuẩn quốc gia, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn còn 1000 công trình. Đây là vấn đề rất quan trọng và phải quyết liệt làm tiếp”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường học
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Vũ Thu Hà, để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời bố trí nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.
Trong giai đoạn 2021-2025 Tp.Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn; cải tạo, sữa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.
Báo Kinh tế & Đô thị thông tin, theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND Tp.Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong giai đoạn 2021-2025 nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là: 51.294 tỷ đồng với 1.649 dự án.
Trong đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với 5.946 tỷ đồng. Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp huyện là 1.510 dự án với tổng mức đầu tư 45.349 tỷ đồng (trong đó đề nghị TP hỗ trợ cấp huyện là 20.390 tỷ đồng).
Về việc mua sắm thiết bị dạy học, đối với cấp Tiểu học và THCS, việc khảo sát, xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 3, 7 năm học 2022-2023 đang được triển khai. Với các trường THPT, TP đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành khảo sát, xây dựng danh mục trang thiết bị dạy học và đề xuất thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu kinh phí cần có khoảng 4.402 tỷ đồng để mua sắm bổ sung thiết bị trường học cơ bản cho khối phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội.
Thời gian tới, TP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô sửa đổi tạo hành lang pháp lý thuận lợi phát triển sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, có những chính sách khuyến khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do TP quy định.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp đảm bảo đủ số trường, lớp theo quy định. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học các cấp nhằm đảm bảo hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học phục vụ phát triển GD&ĐT Thủ đô; bố trí các nguồn vốn đầu tư xây mới trường học, bổ sung thêm phòng học và cải tạo trường, lớp học tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tp.Hà Nội đến năm năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở để xây trường học công lập.
M.H (t/h)