Nhiều người dân và tiểu thương cho biết giá cả một số loại hàng hóa 1 tuần nay đã tăng nhẹ, đồng thời bày tỏ lo ngại “lương tăng 1 đồng, hàng hóa tăng 2 đồng”.
Theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1/7/2023, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng từ 12,5% - 20,8%.
Nhiều người dân bày tỏ lo lắng mỗi lần tăng lương là giá cả hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Trên thực tế, một số mặt hàng đã tăng giá nhẹ.
Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, chị Hoàng Hà (quận Gò Vấp) cho biết: "Hiện nay, nhiều hàng hóa ở chợ đã rục rịch tăng rồi. Tôi sợ rằng lương tăng 1 đồng thì hàng hóa tăng 2 đồng và như vậy thì người tiêu dùng còn gặp khó khăn hơn nữa. Hiện hàng hóa chưa tăng cao nhưng cũng không loại trừ nhiều người bán "té nước theo mưa", lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu. Tôi mong rằng Nhà nước cần có biện pháp kiểm tra và để ngăn chặn tình trạng này".
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, nhiều tiểu thương cho biết tình hình mua bán ế ẩm nhưng khi nhập hàng có một số mặt hàng đã tăng giá.
Bà Hà (tiểu thương chợ Tân Định) thông tin hiện nay nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ. Điển hình mì gói tăng giá từ 105.000 đồng/thùng lên 115.000 - 118.000 đồng/thùng. Thời gian qua giá đường cát tăng cao kéo theo đường phèn vàng cũng tăng thêm 10.000 đồng/kg.
Báo VOV dẫn lời chị Nguyễn Thu Hồng (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ, theo quan sát của chị, từ nhiều năm nay, cứ khi nào lương tăng hoặc chuẩn bị tăng thì giá cả hàng hóa, dịch vụ đã lập tức tăng theo. Những người lao động tự do như chị phải chịu thiệt thòi đủ đường.
“1 tuần nay đi chợ, giá rau, thịt, trứng lại tiếp tục tăng. Nếu như trước đây, mỗi buổi đi chợ tôi tiêu hết 150.000 đồng thì nay phải tăng thêm 40.000 - 50.000 đồng mới đủ mua thức ăn cho 2 bữa trong ngày”, chị Hồng nói.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng lương 20% cho công chức và 12% cho người về hưu thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với chính sách, đối với cán bộ công nhân viên chức và góp phần nâng cao đời sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh sự mừng vui thì nhiều người cũng lo lắng vấn đề “té nước theo mưa”, giá cả hàng hóa tăng lên theo lương, đây là tâm lý chung của nhiều người. Thực tế thời gian qua giá điện đã tăng lên, một số mặt hàng khác cũng rục rịch tăng theo như nước, sách giáo khoa…
Ông Phú phân tích, khi lương thay đổi thì giá cả cũng sẽ thay đổi nhưng nó có độ trễ, độ trễ nhanh hay chậm là do một số yếu tố: yếu tố thứ nhất là tâm lý tăng giá của người bán. Người bán có tâm lý rằng, lương của người tiêu dùng tăng thì mình cũng tăng giá bán một chút. Người bán những mặt hàng khác nhìn vào cũng điều chỉnh giá tăng theo. Đây là xu hướng tâm lý đám đông.
Yếu tố thứ 2 là quản lý Nhà nước. Ngoài những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống đầu cơ, loạn giá như xăng, dầu, điện, nước, hàng hóa trong siêu thị, sách giáo khoa... thì còn một phần lớn hàng hóa đang được thả lỏng, chưa thể kiểm soát là các mặt hàng được buôn bán tự do ở chợ.
Trước đó, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, do nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt nên việc tăng lương có thể kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến.
"Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hóa dịch vụ tăng quá cao", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định.
Vân Anh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vua-tang-luong-nhieu-mat-hang-ruc-rich-tang-gia-a595744.html